Ngày 19/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn công tác Trung ương đã về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang.
Làm việc với Đảng bộ tỉnh An Giang tại thành phố Long Xuyên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, hoạt động đối ngoại với các tỉnh giáp biên giới của nước bạn Campuchia...; ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh An Giang có hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và hơn 65% dân số là lao động nông thôn.
Dân số An Giang trên 2,16 triệu người (đứng thứ 6 cả nước và đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long) với 4 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là Kinh, Hoa, Khmer, Champa.
Tỉnh có 11 đơn vị hành chính (2 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện). Với gần 100 km đường biên giới giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia), An Giang có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh ở biên giới Tây Nam và là một trong bốn tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2017, tỉnh An Giang có 17/21 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 5,11%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 34,3 triệu đồng/năm; thu ngân sách tăng trên 13% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng GRDP đạt 6,10%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước, trong đó, cả 3 khu vực đều có mức tăng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư đạt kết quả khả quan.
Cơ cấu kinh tế của An Giang chuyển dịch theo hướng tích cực; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng linh hoạt về cơ cấu cây trồng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị, qua đó giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng được nâng lên.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai theo hướng thực chất, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; bộ mặt đô thị và nông thôn tiếp tục khởi sắc, có 33/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,24%.
Bên cạnh phát triển kinh tế, An Giang luôn quan tâm chăm lo các vấn đề xã hội, triển khai đồng bộ nhiều chính sách an sinh xã hội.
Diện mạo thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nhiều đổi mới, nâng chất về đời sống người dân, hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất... tạo được lòng tin trong nhân dân.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới sáng tạo, chủ động triển khai nhiều mô hình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); chính trị ổn định và làm tốt công tác an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát giai đoạn 2015-2020 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tỉnh An Giang chú trọng thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách mà Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và địa phương đã đề ra, trước hết là 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã nêu rõ, đó là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường thu hút đầu tư; Đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tỉnh An Giang nâng cao chất lượng quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài địa phương để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chú trọng đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, tạo liên kết vùng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, An Giang cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa, nâng cao giá trị sản xuất; thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu nông sản, công nghiệp chế biến có hàm lượng khoa học-công nghệ và tạo giá trị gia tăng cao.
Tăng cường công tác phòng, chống và khắc phục sạt lở, hạn chế tác động do xâm nhập mặn, khan hiếm nguồn nước; phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; thực hiện tốt Đề án phát triển giống cá tra 3 cấp, Đề án xây dựng thương hiệu lúa gạo, phát triển thương hiệu lúa nếp Phú Tân...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ và sản phẩm phục vụ du lịch, tạo môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, hấp dẫn du khách; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh quê hương, con người, danh lam thắng cảnh, các khu du lịch trọng điểm, như Núi Sam, Núi Cấm, Rừng tràm Trà Sư, khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng...
Đi cùng với đó là nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, tỉnh An Giang cần chú trọng xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, an ninh trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại với các tỉnh nước bạn có chung đường biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Tỉnh An Giang cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với triển khai thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung xây dựng nền hành chính công minh bạch, thông suốt, chuyên nghiệp; xây dựng chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh; tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để phát triển sản xuất kinh doanh và trở thành động lực phát triển của địa phương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, An Giang có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh và là một trong bốn tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có truyền thống yêu nước và cách mạng, là quê hương của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đây là nguồn lực tinh thần quý báu để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh An Giang nỗ lực phấn đấu, vươn lên mạnh mẽ.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã đóng góp ý kiến đối với các kiến nghị của tỉnh An Giang về hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, bảo vệ biên giới, phòng chống buôn lậu, tội phạm qua biên giới và quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên; chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc (An Giang), trước mắt bổ sung dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; vốn đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư để di dời, ổn định cuộc sống của người dân vùng sạt lở...
Tỉnh An Giang cũng kiến nghị Trung ương sớm có hướng dẫn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá các kiến nghị của tỉnh An Giang là rất cụ thể, xác đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương. Chủ tịch nước giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao), Bộ Công an và các ban, bộ, ngành liên quan sớm đề xuất, trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, giải quyết./.