Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Thất nghiệp, Bảo hiểm Y tế; từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế hướng tới mục tiêu bảo Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Y tế toàn dân…
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đó là phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm Xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, Bảo hiểm Xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm Thất nghiệp; trên 95% dân số tham gia Bảo hiểm Y tế.
Trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân khó khăn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Chỉ tính riêng năm 2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tặng sổ Bảo hiểm Xã hội, thẻ Bảo hiểm Y tế cho trên 267.000 người với tổng giá trị là 79,4 tỷ đồng.
Chiến lược còn có một số chỉ tiêu khác như: 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% người tham gia Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Thất nghiệp, Bảo hiểm Y tế có tài khoản giao dịch điện tử, đã cài đặt ứng dụng VssID; 100% người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đã được cấp căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ Bảo hiểm Y tế khi đi khám, chữa bệnh.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chiến lược là cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hơn nữa tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của công chức, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm Xã hội.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai có nội dung thông tin trùng lặp, không phát sinh thủ tục hành chính mới không cần thiết…
Chiến lược đưa ra nhiệm vụ, giải pháp khác là đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực thực hiện và chất lượng nguồn nhân lực theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm Xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; sử dụng vị trí việc làm làm cơ sở để tuyển dụng, quản lý, sử dụng và trả lương theo quy định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ gắn liền với chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
Chiến lược yêu cầu nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, dự báo phục vụ công tác đề xuất, kiến nghị xây dựng pháp luật, thiết kế chính sách; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống trụ sở làm việc gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo tiết kiệm và thuận tiện trong phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam./.