Phân công Thành viên Chính phủ làm việc với địa phương về sản xuất kinh doanh

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 967/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Cụ thể, Thủ tướng phân công nhiệm vụ các Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính,… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn như sau:

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì làm việc với 2 địa phương: Hải Phòng và Quảng Ninh;

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với 3 địa phương: Hải Dương, Lai Châu và Điện Biên;

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì làm việc với 2 địa phương: Bình Phước và Tây Ninh.

ttxvn_bo truong Nguyen hai Ninh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thành viên Chính phủ được giao chủ trì làm việc với địa phương thực hiện theo Điều 3 Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thành viên Chính phủ được giao chủ trì làm việc với địa phương: xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn làm việc với các địa phương; báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trực tiếp chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc tại các địa phương được phân công làm việc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp) đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Yêu cầu các địa phương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu, cử cán bộ phối hợp thực hiện và giải quyết vướng mắc của địa phương đó.

Thực hiện các nhiệm vụ khác mà Thành viên Chính phủ có thẩm quyền và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, chiều 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng.

Dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan liên quan.

yen bai_mua lu.jpg
Sáng 12/9, nước lũ đã rút tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo dự báo, tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra; với tinh thần “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết,” “không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở,” Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, người dân làm chủ,” thực hiện mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão.

Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, cơ quan, người dân bị thiệt hại, trên tinh thần “ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều,” “lá lành đùm lá rách,” “tương thân, tương ái;” hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cả cộng đồng chung tay khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra.

Thủ tướng Chính phủ đã phân công các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cứu hộ, cứu nạn với người bị nạn, mất tích; cứu chữa những người bị thương; lo hậu sự cho người xấu số; nhanh chóng ổn định tình hình.

Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập; có đánh giá, dự báo sát tình hình để có phương án xử lý phù hợp; kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ các điểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy cơ cao tới nơi an toàn..../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục