Phân cấp, phân quyền gắn với đặc thù, nguồn lực, năng lực địa phương

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề ‟Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.”
Phân cấp, phân quyền gắn với đặc thù, nguồn lực, năng lực địa phương ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 4/11, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề ‟Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” nhằm triển khai thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

[Nhiều địa phương vẫn né tránh trong phân cấp, phân quyền đầu tư công]

Tại các điểm cầu ở 63 địa phương có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan.

Phân cấp, phân quyền: Chưa mạnh mẽ, thiếu đồng bộ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã coi việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước là một quan điểm lớn trong chỉ đạo, điều hành nhằm hướng tới phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cấp chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và theo lãnh thổ.

Phân cấp, phân quyền đã và đang được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của từng cấp, ngành trong tổ chức thực hiện; thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhất là qua thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, hạn chế như: còn “cào bằng” giữa các địa phương; chưa hợp lý, phù hợp trong một số ngành, lĩnh vực; chưa mạnh mẽ, thiếu đồng bộ về nguồn lực và điều kiện bảo đảm thực hiện chưa gắn với cải cách thủ tục hành chính; thiếu quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật ở một số ngành, lĩnh vực; cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý vi phạm chưa hoàn thiện, đồng bộ.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận xác định nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền năm 2021, nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026 và trong thời gian tới; qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân.

Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành

Hội nghị tập trung thảo luận, trao đổi thẳng thắn để làm rõ những việc làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế và yếu kém trong công tác phân cấp, phân quyền thời gian qua cả về mặt các quy định pháp luật và thực tiễn triển khai; phân tích rõ nguyên nhân hạn chế, yếu kém; những thực tiễn tốt và các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Phân cấp, phân quyền gắn với đặc thù, nguồn lực, năng lực địa phương ảnh 2Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các tham luận của các bộ, ngành, địa phương chú trọng làm rõ tình hình, kết quả và bài học kinh nghiệm thực hiện phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư công, phát triển liên kết vùng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; theo ngành, lĩnh vực; hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đất đai; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật; giám sát và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương...

Hội nghị cũng đề xuất các nội dung, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền một cách thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Các ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; có tính đến điều kiện đảm bảo thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước chặt chẽ..., góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân.

Sau khi nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá thời gian qua, phân cấp, phân quyền đã được đẩy mạnh triển khai trên quy mô rộng giữa các cấp, các ngành, lĩnh vực, nhất là giữa Chính phủ và các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương.

Việc phân cấp, phân quyền được thực hiện gắn liền với quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần kiện toàn bộ máy bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Cùng với đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung thực hiện chức năng quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực điều hành và tổ chức thực hiện.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, cần tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất sửa đổi bổ sung hệ thống thể chế để tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt hơn việc phân cấp, phân quyền; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; chính quyền địa phương tập trung nâng cao năng lực thực thi chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực phù hợp để giải quyết kịp thời và hiệu quả công việc, nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, công khai đối với người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh phân cấp, phân quyền cần gắn chặt với đặc thù, nguồn lực, năng lực của từng lĩnh vực, địa phương, từ đó có cơ chế, chính sách phân cấp, phân quyền cụ thể, sát với thực tiễn; quan tâm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ý kiến của các cơ quan liên quan, tiếp tục rà soát, đề xuất rõ những nội dung nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm phù hợp với Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục