Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BGTVT quy định về phân cấp quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
Theo đó, Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2024 và việc phân cấp phải bảo đảm theo các nguyên tắc quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải phân cấp cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định.
Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có tổ chức, bộ máy cảng vụ đường thủy nội địa theo quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của cảng vụ đường thủy nội địa; đảm bảo số lượng công chức, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm và biên chế được phê duyệt theo quy định.
Cùng với đó, phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết khác để tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu được phân cấp theo quy định.
Việc phân cấp sẽ thực hiện trong phạm vi các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, cũng như tại những khu vực có vùng đất, vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia và trên đường thủy nội địa địa phương, trừ các tuyến đường thủy nội địa giáp ranh giữa 2 tỉnh, thành phố trở lên, đường thủy nội địa quốc gia qua biên giới hoặc trên biên giới.
Điều tra mở rộng lĩnh vực đăng kiểm phương tiện giao thông đường thủy
Bên cạnh đó, phạm vi quy định còn có cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa quốc gia.
Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp theo quy định và tiếp nhận người lao động đang thực hiện các nhiệm vụ tại các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và các cơ sở vật chất khác trong phạm vi được phân cấp.
Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ Giao thông Vận tải trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp theo quy định tại Thông tư, cũng như báo cáo kết quả thực hiện các các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp theo quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý cảng, bến thủy nội địa.
Đối với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp, thống kê, bàn giao công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong phạm vi phân cấp. Cơ quan này cũng tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi được phân cấp của các địa phương.
Định kỳ hàng năm, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổng hợp, đánh giá việc thực hiện các nội dung của cơ quan được phân cấp và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải theo quy định và đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phân cấp cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu khi đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện quy định. Ngoài ra, kết thúc phân cấp trong trường hợp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh không duy trì các nguyên tắc, điều kiện phân cấp hoặc việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp không hiệu quả.
Trong một diễn biến liên quan, để tăng cường việc quản lý lĩnh vực đường thủy tại địa phương, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V, trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Theo đó, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa trên luồng tuyến đường thủy nội địa quốc gia tại địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung.
Cụ thể các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Nam, nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường. Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở tại tỉnh Nghệ An.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V thực hiện theo quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ Đường thủy nội địa.
Cảng vụ có các phòng chuyên môn nghiệp vụ tổ chức, hành chính-tài chính; pháp chế - thanh tra; quản lý cảng, bến và các đại diện cảng vụ đường thủy nội địa tại các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam.
Tại sự kiện này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan, đơn vị của bộ đang tập trung thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Thế nhưng Bộ trưởng, ban lãnh đạo bộ quyết định thành lập Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để thấy được sự quan trọng, cần thiết đơn vị.
Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V được giao quản lý các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Nam. Đây là một địa bàn rất rộng, trong khi đó, bộ máy của cảng vụ hôm nay mới bắt đầu quyết định thành lập, còn rất nhiều việc để đưa cảng vụ đi vào hoạt động.
Vì vậy, đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương sắp xếp, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo và thành lập hệ thống tổ chức tại cảng vụ; sớm tuyển dụng, điều chuyển hệ thống nhân sự để nhanh chóng tiếp cận địa bàn, triển khai nhiệm vụ công việc.
Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, khu vực miền Trung là một địa bàn rất khó khăn, hệ thống sông ngắn, dốc và trải dài trên nhiều địa bàn. Cục sẽ sớm ổn định tổ chức và cơ sở hạ tầng để Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V sớm triển khai công việc, đúng như kỳ vọng của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ./.