Sáng 13/11, với 460/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,18% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng
Nghị quyết xác định mục tiêu là bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Mục tiêu tiếp theo là bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%.
Ngoài ra, khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
[Quy hoạch đất đai phải hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường]
Nghị quyết quy định cụ thể định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050. Tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh, hoàn thành mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 6 vùng kinh tế-xã hội, bảo đảm cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, Nghị quyết quy định: Sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan (trong đó có chính sách về tài chính đất đai) để bảo đảm sự đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai.
Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội.
Nghị quyết đề ra giải pháp là hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp; quan tâm thu hút đầu tư, phát triển tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300.000ha đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa, có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.
Một nhiệm vụ nữa là nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo không gian cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tạo quỹ đất ở vùng phụ cận dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu từ đất đai; nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, định mức, quy định về suất đầu tư trên một đơn vị diện tích để bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai.
Để ứng phó với biển đổi khí hậu, phục hồi quỹ đất bị suy thoái, Nghị quyết quy định khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, ven biển cho phát triển rừng, phát triển cây xanh trong đô thị và khu công nghiệp; quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; thúc đẩy, khuyến khích phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính, bảo đảm quỹ đất cho phát triển các khu xử lý, tái chế rác thải liên vùng, liên tỉnh.
Lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ ít phát thải trong thu hút các dự án có sử dụng đất với các khu vực nhạy cảm về môi trường; tăng cường các giải pháp cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học, đặc biệt đối với đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất, ô nhiễm đất…
Nghị quyết yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất; công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Chuyển đổi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết về chỉ tiêu đất trồng lúa, đa số ý kiến tán thành việc giữ diện tích đất trồng lúa đến năm 2030 là 3,568 triệu ha, tuy nhiên có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở để đưa ra chỉ tiêu này, có ý kiến đề nghị chỉ giữ 3,2 triệu ha.
Một số ý kiến đề nghị rà soát, hạn chế việc lấy đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các loại đất phi nông nghiệp (nhất là đất khu công nghiệp) và cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi đối với đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất lý hóa của đất để nâng cao hiệu quả kinh tế nhưng vẫn bảo đảm điều kiện có thể chuyển lại trồng lúa; xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí chuyển đổi đất trồng lúa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy hoạch đất trồng lúa được tính toán trên cở sở bảo đảm nhu cầu lương thực của quốc gia trong thời kỳ quy hoạch, đồng thời bám sát Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; cơ bản bám sát các định hướng phát triển kinh tế các vùng trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phù hợp với tiềm năng đất đai từng vùng, địa phương trong phát triển đất trồng lúa.
Về chuyển đổi đất trồng lúa, trên thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn. Quốc hội đã ban hành Luật Trồng trọt năm 2018, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ, quy định điều kiện chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa, có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; đồng thời, nêu rõ hạn chế việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp./.