Phân biệt tôn thép giả: Người tiêu dùng thông thái cũng... chịu

Theo Phó Chủ tịch Vinastas, ngay các nhà chuyên môn cũng phải có ​thiết bị chuyên dụng mới ​phân biệt được thế nào là tôn thật, tôn giả, còn người tiêu dùng thì rất khó nhận biết.
Phân biệt tôn thép giả: Người tiêu dùng thông thái cũng... chịu ảnh 1Dây chuyền sản xuất hàng chất lượng cao của Công ty Tôn Hoa Sen (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Chúng ta cứ hay kêu gọi người tiêu dùng thông thái, nhưng tôi nói trong trường hợp này có thông thái cũng chịu bởi vì ngay các nhà chuyên môn cũng phải có ​thiết bị chuyên dụng mới ​phân biệt được thế nào là tôn thật, tôn giả. Như vậy, với người tiêu dùng, bằng mắt thường cũng không thể nhận biết được."

Đây là một thực tế được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch ​Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) chia sẻ với phóng viên bên lề Hội thảo: "Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu, hậu quả và giải pháp", do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam tổ chức sáng nay (27/11), tại Hà Nội.

- Ông có đánh giá như thế nào về tình trạng hàng giả nói chung và thị trường tôn thép giả nói riêng hiện nay?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trong năm vừa qua, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã bắt hàng chục vụ sản xuất, kinh doanh tôn thép giả, tôn nhái và danh tính những doanh nghiệp làm ăn gian dối cũng đã được công khai trên báo chí nhưng​ trên thực tế, mặt hàng tôn giả vẫn xuất hiện ngày càng nhiều và không phải chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay ở các thành phố lớn cũng xuất hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, đây là điều hết sức đáng lo ngại.

Có thể nói, nhận thức về hàng giả của người tiêu dùng đã có nâng lên, bởi trước đây nhiều người vẫn chưa quan tâm do không biết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi biết rồi thì làm thế nào để phân biệt được hàng thật, hàng giả và đây là hai vấn đề còn khác nhau.

- Tại sao một ngành phát triển như tôn, thép mà đến giờ vẫn chưa có quy chuẩn chất lượng được công bố?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, việc phân biệt tôn giả nếu không có phương tiện chuyên dụng thì các cơ quan chức năng cũng không biết được, đơn cử như độ dầy của tôn và độ dầy của lớp sơn bảo vệ là bao nhiêu, chưa nói đến chất lượng.

Vì vậy, để người tiêu dùng mua được hàng thật không phải dễ và việc này trước tiên phụ thuộc vào doanh nghiệp trong cách tuyên truyền, tư vấn cho người tiêu dùng để nhận biết hàng chính hiệu của mình cũng như hàng giả.

Hội cũng sẵn sàng vào cuộc cùng doanh nghiệp để tư vấn cho người tiêu dùng.

Liên bộ Công Thương-Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn mặt hàng này rồi, vấn đề là thực hiện như thế nào thôi.

Phân biệt tôn thép giả: Người tiêu dùng thông thái cũng... chịu ảnh 2Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vấn nạn tôn, thép giả diễn ra nhiều năm, vậy dưới góc độ của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng theo ông cần có những giải pháp đưa ​như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Việc hàng giả tồn tại một cách dai dẳng như vậy chính là do lợi nhuận đem lại cho những người làm tôn giả quá lớn, do vậy giải pháp cũng cần phải hết sức đồng bộ.

Ngay các nhà sản xuất muốn để cho người tiêu dùng phân biệt được hàng giả, hàng thật thì phải có biện pháp. Đơn giản nhất là việc dùng tem chống hàng giả hiện nay cũng dùng khá phổ cập, việc dán lên 1 tấm tôn không hề khó và giá mỗi con tem cũng chỉ mấy trăm đồng thôi nên bản thân nhà sản xuất cũng phải có biện pháp của riêng mình.

Còn về phía các cơ quan chức năng, mặc dù phải đấu tranh với rất nhiều mặt hàng giả khác (không riêng gì tôn thép) và việc kiểm tra trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, do vậy phải tiến hành thường xuyên hơn nữa.

Về phía người tiêu dùng cũng phải có biện pháp của mình, trong đó phải hết sức cân nhắc khi mua các sản phẩm, nhất là những mặt hàng mà mình không có kinh nghiệm như tôn tấm lợp (phải chục năm mới phải thay) nên khi mua cần lấy và lưu hóa đơn, bởi người tiêu dùng có quyền được bồi thường và khi các cơ quan chức năng phanh phui, công khai danh tính những doanh nghiệp làm hàng giả thì có quyền đến đó yêu cầu bảo vệ quyền lợi.

Tuy nhiên, để đột phá thì cần có biện pháp quản lý ngay từ cửa khẩu để chống tôn, thép nhập lậu​, cũng như cần kiểm soát chặt tại những cơ sở sản xuất trong nước để tránh những hành vi gian dối.


- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục