Phải học cách tự ứng phó trước nguy cơ động đất

Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều trận động đất, bởi vậy người dân cần phải học lấy cách tự ứng phó trong tình huống xấu xảy ra.
Thế giới chưa hết bàng hoàng về cơn đại địa chấn chưa có hồi kết ở Nhật Bản thì một số nước gần Việt Nam lại liên tiếp xảy ra động đất mạnh, gây thiệt hại về người và của. Mới đây nhất, tối 24/3, cư dân Hà Nội bị một phen hú hồn bởi dư chấn trận động đất có cường độ gần 7 độ Richter tại Malaysia.

Trên thế giới, chu kỳ của những trận động đất trên 9 độ Richter được ghi nhận vào khoảng 40-50 năm. Còn tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng khả năng sẽ có động đất mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vậy, người dân cần trang bị cho mình những kỹ năng để tự bảo vệ mình.

Phải học cách thích nghi

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ ngày 25/3, tiến sĩ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho hay, Việt Nam không nằm ở rìa các mảng do vậy ít bị tổn thương bởi động đất so với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có một số đới đứt gãy hoạt động phức tạp và trên thực tế, ngày càng có nhiều động đất xảy ra. Kết quả thống kê cũng cho thấy, trong lịch sử Việt Nam có ghi nhận những trận động đất được xem là lớn.

Cụ thể, năm 1923 có một trận động đất 6,1 độ Richter ở vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết. Năm 1935 là trận động đất 6,75 độ Richter xảy ra trên đới đứt gãy Sông Mã, Bắc Giang năm 1961 là 5,6 độ Richter… Trận động đất lớn gần đây nhất là ở Điện Biên năm 2001, có cường độ 5,3 độ Richter (có chấn tâm bên Lào - cách thành phố Điện Biên khoảng 20km) đã gây hư hại cho hơn 2.000 ngôi nhà ở khu vực thành phố Điện Biên.

“Theo kịch bản, động đất có cường độ cực đại khoảng 6,6-7 độ Richter có thể xảy ra trên các đới đứt gãy Sơn La, sông Mã,” ông Minh nhận định.

Rõ ràng không loại trừ khả năng trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ xuất hiện động đất với cường độ như trên, gây thiệt hại cho người và của. Nhưng điều đáng nói là, các phương tiện máy móc và con người hiện nay cũng không thể đoán biết được thời điểm nào thì xảy ra động đất để đưa ra cảnh báo cho người dân. Bởi vậy, việc học tập những kỹ năng bảo vệ mình trước thảm họa là điều rất quan trọng.

Thực tế, cơn dư chấn của trận động đất ở Malaysia tối ngày 24/3 đã làm người Hà Nội bị một phen hoảng loạn. Nhiều người ở những ngôi nhà chung cư đã nháo nhào chạy vào thang máy, hoặc qua thang bộ mong thoát xuống dưới đất an toàn. Song, những kỹ năng này quả thật “lợi bất cập hại,” nếu đúng đó là động đất lớn.

Ông Minh cho biết, thời gian động đất thường chỉ kéo dài vài giây đến vài chục giây. Bởi vậy, người dân sẽ không đủ thời gian mà chạy ra khỏi nhà. Và khi không ở chỗ trú ẩn thì tỷ lệ thương vong sẽ lớn hơn rất nhiều.

“Người dân cần phải quen dần với thảm họa động đất, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và những nơi có nhiều nhà cao tầng,” ông Minh khuyến cáo.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Xuyên (nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu) thì nói, ông không bất ngờ trước việc người dân Hà Nội tỏ ra rất hoảng hốt khi thấy nhà cửa bị rung lắc. Khi người ta không quen với việc bị động đất thì sự hoảng loạn, chạy trốn theo bản năng, không theo quy tắc khoa học là điều rất dễ xảy ra.

Từ đó, ông Xuyên cho rằng, cần phải phổ biến thêm kỹ năng cho người dân, như kiểu giúp dân “học cách sống chung với bão lũ.” Việc này không chỉ đưa vào trường học mà còn phải phổ biến qua nhiều tài liệu, phương tiện truyền thông đến đông đảo người dân một cách thường xuyên.

Công trình xây dựng: Đừng tham bát, bỏ mâm


Một trong những thiệt hại lớn khi động đất xảy ra đó là việc hư hại những công trình xây dựng. Về vấn đề này, tiến sĩ Lê Huy Minh cho biết, Viện Vật lý Địa cầu đã có khuyến cáo từ lâu. Bộ Xây dựng cũng có những quy định, khuyến cáo về việc xây dựng công trình cần tính đến yếu tố chống động đất.
 
Ông Minh cũng cho hay, ở các công trình lớn như thủy điện Sơn La, Hòa Bình... thì đều có đánh giá động đất. Ngoài ra, chỉ có công trình lớn có đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu Viện Vật lý địa cầu đến nghiên cứu kháng chấn ở khu vực xây dựng mà thôi.

“Khi tuân thủ theo thiết kế để chống động đất chắc chắn chủ đầu tư sẽ tốn kém hơn. Bởi vậy có nhiều công trình xây dựng, song không phải tất cả đều tính đến dư chấn,” ông Minh nói.

Đồng tình, giáo sư Nguyễn Đình Xuyên nhận định, ngoài những công trình lớn có tính đến kháng chấn, thì ở Việt Nam xây dựng để mắt đến vấn đề này chưa nhiều. Nhất là ở những công trình xây dựng thông thường thì việc này hầu như không được quan tâm.

Ông Xuyên đưa ra ví dụ về trận động đất năm 2001 ở Điện Biên Phủ. Đây là khu vực đã có bản đồ phân vùng động đất, nhưng người ta không để ý đến việc này. Khi động đất xảy ra, tuy không quá mạnh nhưng nhưng đã bị đổ nhà, đổ cửa, tường nứt.

Tại Hà Nội, ông Xuyên cũng cho hay, lịch sử từng ghi nhận một trận động đất vào những năm 1285 gây đổ bia đá. Đây có thể xem là trận động đất mạnh và nếu thời điểm hiện tại, Hà Nội gặp phải trận động đất như vậy chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại rất lớn về người cũng như các công trình xây dựng.

Bởi vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo ngay cả các công trình thông thường cũng phải lưu ý đến kháng chấn. Với công trình lớn, trước khi xây dựng cần phải tìm hiểu xem ở đó có khả năng xảy ra động đất không, nếu có thì mạnh đến cỡ nào, khả năng lan truyền động đất từ các vùng khác đến ra sao...  để có thiết kế hợp lý, tránh việc “tham bát, bỏ mâm” gây ra thiệt hại lớn về người và của khi động đất xảy ra./.

Độc giả có thể tham khảo cách tự bảo vệ mình trước động đất tại đây.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục