‘Phải công khai, tránh độc quyền, lợi ích nhóm trong sách giáo khoa'

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình về vấn đề được người dân quan tâm là sách giáo khoa.
‘Phải công khai, tránh độc quyền, lợi ích nhóm trong sách giáo khoa' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình về vấn đề được người dân quan tâm là sách giáo khoa.

Nói điều trên tại buổi họp báo Chính phủ tối 1/10, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, quản lý sách là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[Nhà xuất bản Giáo dục: Chiết khấu sách giáo khoa ở mức thấp]

“Dư luận rất quan tâm vấn đề sách giáo khoa ở chỗ, một năm ta chi rất lớn cho in ấn, phát hành, hai là có lợi ích nhóm không,” Bộ trưởng nêu lên.

Theo người phát ngôn của Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ cùng ngày, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình và có giải pháp khắc phục về vấn đề được người dân, xã hội quan tâm trên.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm sao việc in ấn, xuất bản sách giáo khoa phải minh bạch, công khai, làm tốt công tác xã hội hóa, tránh độc quyền, lợi ích nhóm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng đã chỉ đạo rõ ràng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện tốt vấn đề trên và chuẩn bị trả lời chất vấn nếu Quốc hội, cử tri quan tâm.

Cũng về vấn đề trên, câu hỏi đặt ra với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tại buổi họp báo là vì sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “kêu” mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng vì in sách giáo khoa nhưng giữ mức chiết khấu 25% (tương đương 250 tỷ mỗi năm)?

Trả lời, ông Độ cho biết, hiện tại, theo báo cáo của nhà xuất bản, mức chiết khấu sách giáo khoa chỉ từ 18 đến 20%. Mức chiết khấu này dành cho việc vận chuyển sách từ nhà in đến các công ty sách, thiết bị trường học và vận chuyển đến các trường học.

Trong khi ấy, theo ông, mức chiết khấu với các loại sách hiện khoảng 35-40%. Bởi vậy, mức chiết khẩu 18-20% theo ông chỉ để trực tiếp phục vụ công tác phát hành.

Nói thêm về vấn đề độc quyền sách giáo khoa, theo ông Độ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức in ấn và đấu thầu in sách giáo khoa ở 4 khu vực trong cả nước, nhằm giảm kinh phí vận chuyển.

“Vừa qua Bộ Thông tin Truyền thông đã giao cho 5 nhà xuất bản được in ấn sách giáo khoa. Việc xoá độc quyền sách giáo khoa được thực hiện theo tinh thần là tổ chức một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa,” ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục