"Phải công khai tất cả các vụ bắt giữ hàng hóa vi phạm pháp luật"

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương cho biết, các địa phương phải công khai tất cả các vụ bắt giữ hàng hóa vi phạm pháp luật và tạo điều kiện cho báo chí trong công tác tuyên truyền.
"Phải công khai tất cả các vụ bắt giữ hàng hóa vi phạm pháp luật" ảnh 1Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo 389 Trung ương, các vụ kiểm tra hàng lậu, hàng giả khi có kết quả phải công khai cho báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Cẩn (Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương) cho biết, Ban chỉ đạo 389 Trung ương đã gửi công văn yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các địa phương công khai tất cả các vụ việc bắt giữ hàng hóa vi phạm pháp luật, đồng thời tạo điều kiện cho báo chí trong công tác tuyên truyền.

Trong trường hợp, vụ việc vẫn còn phải điều tra mở rộng, thì thủ trưởng đơn vị trực tiếp kiểm tra phải có ý kiến bằng văn bản, sau khi hoàn thiện hồ sơ cũng phải công khai kết quả xử lý.

Đây là nội dung được thông tin tại buổi họp báo về "tình hình kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giá 9 tháng đầu năm; các giải pháp từ nay đến cuối năm", do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Trung ương tổ chức sáng nay (11/11), tại Hà Nội.

Trước câu hỏi về chênh lệch cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc lên tới hàng chục tỷ USD lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 giải thích, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có báo cáo trước quốc hội, theo đó ngoài sự khác biệt về cách thống kê thì một phần chênh lệch này có liên quan đến hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại.

Để làm rõ thêm, theo ông Cẩn, nhiều chính sách của nhà nước tạo thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động thương mại đã bị kẻ xấu lợi dụng.

Đơn cử, để tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất ra Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 7/11/2006 theo đó cư dân các tỉnh có chung đường biên giới được hưởng chính sách miễn thuế với giá trị 2 triệu đồng/người/ngày/lượt mang tính đồng đều.

Nhưng thực tế nhiều nơi cư dân biên giới không sử dụng đến do nhu cầu phát sinh không thường xuyên đã bị các đối tượng lợi dụng để thu gom hàng h​óa được miễn thuế đem vào nội địa tiêu thụ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và đây cũng là số lượng hàng hóa chưa được thống kê tại Việt Nam nhưng được phía Trung Quốc tính vào số liệu hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trước đây bị xuất lậu như quặng, than, hàng tạm nhập tái xuất... thì số lượng làm thủ tục qua cửa khẩu lại thấp hơn so với khai báo thực tế nhằm trốn thuế....

"Trong số chênh lệch thống kê giữa 2 nước chỉ có một phần là buôn lậu và gian lận thương mại, còn chủ yếu do chênh lệch về phương pháp thống kê," ông Cẩn khẳng định.

"Phải công khai tất cả các vụ bắt giữ hàng hóa vi phạm pháp luật" ảnh 2Ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương đang đứng phát biểu (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Từ những tồn tại trên, để ngăn chặn buôn lậu, ông Cẩn cho biết, ngày 20/10/2015, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg thay thế Quyết định 254/2006/QĐ-TTg, theo đó cư dân biên giới trong 1 tháng chỉ được 4 lần buôn bán qua biên giới với giá trị 2 triệu đồng/tháng hàng miễn thuế, nếu doanh nghiệp mua gom lại số hàng trên sẽ phải nộp thuế.

Đồng thời, liên bộ đã ban hành Thông tư 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP nhằm quy định chặt chẽ hơn về chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

"Với quy định mới, nếu hàng hóa vận chuyển vào trong nội địa không có hóa đơn chứng từ hợp pháp đều bị coi là hàng lậu và không cần phải chờ đợi 72 giờ như quy định trước đây, kết quả bước đầu đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép, qua đó làm tăng tính nghiêm minh của pháp luật," ông Cẩn cho biết thêm.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương, tính đến hết tháng Mười, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 168.939 vụ (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2014), số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 10.120 tỷ đồng (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014), đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã khởi tố 1.066 vụ án hình sự.

"Hiện Văn phòng đang xây dựng kế hoạch hành động và phân công cho từng lực lượng, từng địa phương để triển khai công tác chống buôn lậu những tháng cuối năm, đặc biệt chú trọng vào các địa bàn nóng, đồng thời đôn đốc các bộ ngành kiểm tra, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hiện hành," ông Cẩn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục