'Phải có giải pháp xử lý gói thầu cao tốc Bắc-Nam chậm tiến độ'

Bộ trưởng Giao thông Vận tải yêu cầu công tác chỉ đạo của Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu tăng mũi thi công, thiết bị, không để xảy ra tình trạng mũi thi công thì tăng nhưng tiến độ vẫn chậm.
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể truy nguyên nhân chậm tiến độ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và có các chỉ đạo rà soát từng hạng mục, không để xảy ra tình trạng mũi thi công thì tăng nhưng tiến độ vẫn chậm.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào chiều 13/4, theo báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đến nay, 10 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 lũy kế sản lượng thi công dự án đạt hơn 19.400 tỷ đồng, tương đương 34,3% giá trị hợp đồng. Tiến độ thực hiện các dự án thành phần cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Tuy nhiên, hiện vẫn có 3 dự án chậm tiến độ, trong đó dự án Diễn Châu-Bãi Vọt sản lượng đạt 2,7% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5,95% so với kế hoạch ban đầu và 0,5% so với kế hoạch điều chỉnh do nhà thầu (đồng thời là nhà đầu tư) chậm huy động nhân sự, máy móc, thiết bị thi công.

Đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết sản lượng đến nay đạt 32,2% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 13,3% giá trị hợp đồng do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường và nhà thầu chưa tích cực thi công móng, mặt đường. Đoạn Phan Thiết-Dầu Giây sản lượng hiện đạt hơn 38,5% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,4% giá trị hợp đồng do tốc độ thi công đắp đất, đá nền đường thực tế chưa đáp ứng kế hoạch.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải rà lại chi tiết từng dự án xem thời điểm hiện tại thực trạng thi công được bao nhiêu kilomet được cấp phối đá dăm, thảm nhựa,…

“Những dự án nào còn vướng mặt bằng và vướng ở vị trí nào (nếu có), giải pháp tháo gỡ ra sao? tình trạng đất đắp thiếu hay đủ? Giám đốc các Ban Quản lý dự án phải nắm bắt thực trạng, tính toán xem số tháng ít ỏi con lại phải xử lý thế nào với các gói thầu chậm tiến độ. Bản chất của việc chậm là do đâu?,” Bộ trưởng đặt vấn đề.

[Sẽ chấm dứt hợp đồng với nhà thầu làm chậm tiến độ cao tốc Bắc-Nam]

Nhận định không phải gói thầu cứ chậm tiến độ là cắt chuyển khối lượng, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cho rằng, nếu nguyên nhân chậm do thiếu đất thì việc điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu cũng không có ý nghĩa.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu công tác chỉ đạo của Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư với nhà thầu tăng mũi thi công, thiết bị, không để xảy ra tình trạng mũi thi công thì tăng nhưng tiến độ vẫn chậm.

Đối với công tác chuẩn bị đầu tư cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, ông Thể chỉ đạo các Ban Quản lý dự án phải bám sát các mốc thời gian hoàn thiện thủ tục được ấn định tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ.

Về vấn đề mặt bằng, Bộ trưởng Thể yêu cầu các Ban Quản lý dự án cung cấp video clip từng dự án cho các tỉnh, thành có tuyến đi qua để chính quyền địa phương quản lý, công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông, tuyên truyền người dân không xây dựng trái phép, trồng cây không đúng quy định trên đất thuộc phạm vi dự án./.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có yêu cầu các Ban Quản lý dự án xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, không đáp ứng chất lượng, tiến độ.

Đối với nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ ký kết (chủ đầu tư đã thông báo vi phạm lần 3 theo quy định của hợp đồng, nhưng nhà thầu không có chuyển biến tích cực về tiến độ), Ban Quản lý dự án xem xét báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chấm dứt hợp đồng.

Nhà thầu không hoàn thành hợp đồng (bị xử lý chấm dứt hợp đồng) sẽ được đánh giá không đáp ứng ở bước đánh giá sơ bộ trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án do Bộ (từ 3-5 năm theo quy định hiện hành).

Đối với nhà thầu vi phạm tiến độ nhưng chưa đến mức phải xử lý chấm dứt hợp đồng, các Ban Quản lý dự án đôn đốc kiểm tra, giám sát, yêu cầu 2 nhà thầu có giải pháp khắc phục ngay; xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nếu nhà thầu tham gia đấu thầu các dự án khác thuộc phạm vi quản lý.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục