Phải chăng Tổng thống Donald Trump đã sai lầm khi rút quân khỏi Syria?

Giới chỉ trích ở Washington, trong chính đảng Cộng hòa, quân đội và trên thế giới đều coi động thái của ông Trump là một sai lầm chiến lược to lớn có thể giúp để IS "tự do" lớn mạnh trở lại.
Phải chăng Tổng thống Donald Trump đã sai lầm khi rút quân khỏi Syria? ảnh 1Đoàn xe quân sự Mỹ tới làng Yalanli, ngoại ô phía tây của thành phố miền Bắc Syria Manbij trong chiến dịch chống IS, ngày 5/3/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng CNN/BBC.com đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố rằng ông biết rõ về nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hơn các tướng lĩnh Mỹ.

Và giờ thì ông muốn chứng minh điều này. Ván cờ lớn của ông Trump về việc rút quân bất ngờ và nhanh chóng khỏi Syria, đưa ra ngày 19/12, vẫn là lối cũ của ông Trump trong quá trình thực thi và thể hiện sự hài lòng sau khi ông tuyên bố sứ mệnh đã hoàn thành và đã đánh bại được IS.

Tuyên bố gây sốc cả thế giới này của ông Trump cho thấy sự cân nhắc thiếu tính toán, khiến giới cố vấn hàng đầu lúng túng, hoang mang và hỗn loạn.

Tuyên bố này cũng dường như mâu thuẫn với mục tiêu trọng tâm về chính sách Trung Đông của ông Trump là kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran vì việc rút quân có thể tạo ra chỗ trống để Tehran và các quốc gia khác lấp đầy.

Giới chỉ trích ở Washington, trong chính đảng Cộng hòa, quân đội và trên thế giới đều coi động thái của ông Trump là một sai lầm chiến lược to lớn có thể giúp để IS "tự do" lớn mạnh trở lại.

[Chuyên gia nêu những lo ngại hàng đầu của Mỹ trong năm 2019]

“Đó là sai lầm to lớn và Tổng thống đã không lường trước được điều này sẽ gây hại cho đất nước như thế nào,” quan chức cấp cao chính quyền Mỹ Jake Tapper chia sẻ với CNN.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một đồng minh của ông Trump, đã chỉ trích: “Đây là vết nhơ danh dự của Mỹ. Đó là một thảm họa đối với an ninh quốc gia.”

Trong khi đó, chính phủ Anh không cho rằng IS đã bị đánh bại. Bộ Ngoại giao Anh khẳng định: “Vẫn còn nhiều việc phải làm và chúng ta không được lơ là về mối đe dọa mà chúng gây ra.” Còn Israel cho rằng Mỹ cần có lộ trình cho việc rút binh sỹ khỏi Syria.

Cũng có nghi ngờ rằng do đang bị bủa vây bởi những vấn đề chính trị và pháp lý, ông Trump đã tìm cách xoay sở cho nhiệm kỳ 1 năm tổng thống của mình bằng cách làm chệch hướng sự chú ý ra khỏi sự nhượng bộ ở quốc hội về khoản tài chính cấp cho việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Quyết định của ông Trump từ bỏ vai trò của Mỹ ở Syria, vốn làm thỏa mãn một trong những mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, sẽ gây ra mối hoài nghi mới về các động cơ của ông Trump khi mối quan hệ của ông với Nga đang chịu sự kiểm soát ngày càng tăng.

Trong một giọng điệu trái ngược hoàn toàn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng quyết định của Mỹ có thể đem lại “những triển vọng thực chất cho quá trình bình ổn chính trị” ở Syria.

Ngoài ra, quyết định này cũng khiến ông Trump phải đối mặt với chỉ trích về đạo đức giả khi chính ông cáo buộc cựu Tổng thống Barack Obama là “người thành lập” IS sau khi IS lợi dụng việc Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011 để lập nhà nước tự xưng của mình ở Iraq và Syria.

Cuộc chiến của người khác

Thế nhưng, CNN cho rằng mặc dù quyết định rút quân khỏi một điểm nóng địa chính trị có thể là điều bất ngờ, song lại phù hợp với thế giới quan khác biệt của ông Trump.

Chẳng có gì bí mật khi ông Trump tin rằng binh sỹ Mỹ không cần chiến đấu cho cái mà ông coi là cuộc chiến của những người khác, và ông Trump cũng thường coi mối quan hệ đồng minh chỉ là dịp để các bạn bè truyền thống của Mỹ “móc túi” Washington.

Mặc dù giới cố vấn chính sách đối ngoại và Lầu Năm Góc đều cảnh báo rằng cuộc chiến chống IS chưa kết thúc, nhưng ông Trump lại dựng lên một thực tế đơn giản hơn nhằm làm thỏa mãn một mục tiêu chính trị.

Ông khẳng định trên Twitter: "Chúng ta đã đánh bại IS tại Syria."

Việc không có kế hoạch giải trình trước công chúng về cơ sở chiến lược cho việc rút quân khiến người ta có thêm ấn tượng rằng ông Trump là một vị tổng thống không quan tâm đến chi tiết của các quyết định quan trọng.

Không như các quyết định gây sốc và quan trọng nhất của ông Trump, quyết định rút quân này không thử thách các quy định mang tính hiến pháp và lại phù hợp với quan điểm chính trị chủ đạo về việc triển khai quân đội ở nước ngoài.

Một số nghị sỹ theo đường lối tự do và bảo thủ đều mong muốn chấm dứt các cuộc chiến của Mỹ thời hậu 11/9 và binh sỹ cần trở về nước.

Bối rối và hỗn loạn

Tuyên bố rút quân khỏi Syria của ông Trump gây ra sự bối rối và hỗn loạn.

Trước đây, ông Trump cũng từng gây ra điều này khi ban hành sắc lệnh hành pháp cấm đi lại đối với các công dân của các nước Hồi giáo, khiến giới chức của chính đội ngũ của ông không thể hiểu nổi những ẩn ý của quyết định này.

Phải chăng Tổng thống Donald Trump đã sai lầm khi rút quân khỏi Syria? ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn báo giới tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 26/11/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Còn giờ thì họ cũng không thể tiết lộ với báo giới thông tin có bao nhiêu binh sỹ mỹ đã rời khỏi Syria hoặc khi nào những binh sỹ còn lại sẽ trở về Mỹ.

Tình trạng bối rối và hỗn loạn này sẽ bộc lộ ra bên ngoài khi các đồng minh của Mỹ cũng thường phải vắt óc để hiểu được các mục tiêu chính trị của chính quyền Trump.

Quyết định riêng rẽ này của ông Trump cũng bị coi là sự lăng mạ đối với các nước bạn bè phương Tây của Mỹ, những nước đã điều động binh sỹ chiến đấu cùng binh sỹ Mỹ ở Syria.

Hai nguồn tin ngoại giao từ các nước Trung Đông chia sẻ với CNN rằng nước họ đã không được tham vấn hoặc thông báo và tin tức về việc rút quân này đến với họ hoàn toàn bất ngờ.

Đổi chác ngầm

Theo CNN, thường trong các quyết định về chính sách đối ngoại của ông Trump cũng có dấu hiệu của sự đổi chác ngầm.

Lệnh rút binh sỹ khỏi Syria diễn ra sau cuộc điện đàm hôm 14/12 giữa Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Việc Mỹ rút quân khỏi khu vực có thể trao cho Thổ Nhĩ Kỳ lợi thế trong nỗ lực của Ankara nhằm gây sức ép đối với lực lượng phiến quân người Kurd ở Syria và ngăn chặn lực lượng này hậu thuẫn nhóm vũ trang người Kurd PKK mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố.

Trong một diễn biến khác có thể có liên quan, Mỹ hôm 18/12 đã thông qua thương vụ bán hệ thống tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong những tuần gần đây, những tiết lộ của ông Erdogan về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul đã đẩy ông Trump vướng vào chỉ trích của các thượng nghị sỹ Cộng hòa về sự hậu thuẫn của ông đối với Thái tử Mohammed bin Salman, người bị cáo buộc ra lệnh vụ sát hại.

Giới quan sát Washington giờ sẽ dõi theo xem liệu ông Erdogan sẽ bớt giọng về vụ Khashoggi hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục