Phải chăng châu Âu đang “rời xa” nền kinh tế thị trường?

Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đang dẫn đến sự suy giảm nền kinh tế thị trường, theo hướng có lợi cho nền kinh tế kế hoạch hay còn gọi là nền kinh tế chỉ huy.
Phải chăng châu Âu đang “rời xa” nền kinh tế thị trường? ảnh 1Siêu thị ở Toulouse, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà nước trợ cấp cho các doanh nghiệp “hồi hương,” Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kiểm soát sự lên xuống của giá cả, hỗ trợ toàn diện cho tất cả các công ty đang gặp khó khăn…

Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đang dẫn đến sự suy giảm nền kinh tế thị trường, theo hướng có lợi cho nền kinh tế kế hoạch hay còn gọi là nền kinh tế chỉ huy.

Đây là những phân tích của ông Patrick Artus, nhà kinh tế trưởng và thành viên ban giám đốc ngân hàng Natixis.

Các quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và ECB đã can thiệp trên quy mô lớn để hỗ trợ các nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Số lượng lớn các can thiệp này không nhằm mục đích làm chệch hướng kinh tế thị trường.

Việc giảm lãi suất ngắn hạn, chuyển tiền cho các hộ gia đình, giảm thuế, trợ cấp thất nghiệp một phần… có thể được thực hiện trên quy mô lớn trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, nhiều can thiệp khác của chính phủ và ECB lại đang đẩy khu vực đồng euro ra ngoài nền kinh tế thị trường.

[Sáng kiến lập hệ thống thanh toán thống nhất toàn châu Âu]

Trước hết là chính sách tiền tệ. ECB không chỉ kiểm soát lãi suất ngắn hạn, mà còn mua trái phiếu khu vực công, trái phiếu doanh nghiệp, với chất lượng ngày càng thấp hơn. Nếu cần thiết, ECB có thể mua một lượng lớn các khoản nợ từ các quốc gia ngoại vi khu vực đồng euro.

Điều này có nghĩa lãi suất dài hạn đối với các khoản nợ công hoặc doanh nghiệp, chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia hoặc thậm chí phí bảo hiểm rủi ro đối với các khoản nợ doanh nghiệp chất lượng tốt hoặc kém được xác định bởi các giao dịch mua của ECB. Giá cả bị một thực thể quản lý và kiểm soát chứ không còn do điều tiết của thị trường.

Tiếp theo là mong muốn đưa doanh nghiệp trở về nước. Chính phủ của các quốc gia trong Eurozone muốn lấy lại sự chủ động đối với một số sản phẩm thiết yếu.

Việc đầu tư ra nước ngoài là lựa chọn của doanh nghiệp trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường, nhằm tìm kiếm chi phí lương thấp, kỹ năng lao động chất lượng cao, khả năng sản xuất hàng công nghiệp trên quy mô lớn, khai thác lợi thế so sánh.

Việc quay trở lại sản xuất trong nước như nhiều chính phủ mong muốn lại mâu thuẫn với cơ chế thị trường, đòi hỏi phải được trợ cấp lâu dài.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một minh chứng cho nền kinh tế kế hoạch. Ở tất cả các quốc gia châu Âu, chính phủ trợ cấp cho các công ty gặp khó khăn, trong khi đứng ra đảm bảo các khoản vay của họ.

Theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp yếu kém sẽ không còn tồn tại và được thay thế bởi các công ty hiệu quả hơn. Song để tránh số lượng lớn người lao động mất việc trong một thời gian ngắn và dưới áp lực của dư luận xã hội, các chính phủ tung ra các gói hỗ trợ tài chính cho các công ty gặp khó khăn.

Cuối cùng, liên quan đến chính sách khí hậu. Cơ chế thị trường sử dụng tín hiệu giá. Nhưng vì châu Âu đang tìm cách giảm 50% lượng khí thải CO2 trong vòng 10 năm và 100% trong 30 năm tới, các chính phủ không thể hài lòng với cơ chế điều tiết giá. Họ buộc phải sử dụng các quy định và nghĩa vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực như giao thông, xây dựng...

Ông Patrick Artus nhấn mạnh, trên tất cả các khía cạnh này, các quốc gia trong Eurozone đang rời xa nền kinh tế thị trường. Sự lựa chọn này có nhiều nguyên nhân.

Chính sách tiền tệ có hiệu quả nhất khi kiểm soát giá của tất cả các tài sản tài chính; doanh nghiệp hồi hương sẽ góp phần khẳng định chủ quyền và nâng cấp trình độ công nghệ; nếu để các công ty gặp khó khăn biến mất sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng mạnh; và phải ngăn chặn hiệu quả lượng khí thải CO2 vào năm 2050.

Tuy nhiên, cũng cần tính đến cái giá phải trả cho việc rời xa các cơ chế kinh tế thị trường. Nếu giá của tài sản tài chính được quản lý bởi ngân hàng trung ương, sẽ không còn phải cung cấp thông tin về đặc điểm của người vay cho các nhà đầu tư nữa. Nội dung thông tin của thị trường tài chính sẽ biến mất. Phí bảo hiểm rủi ro sẽ không còn phù hợp với mức độ rủi ro thực sự.

Tương tự như vậy, việc đưa các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu trở về trong nước sẽ tốn kém, tác động không tốt đến người tiêu dùng.

Các công ty kém hiệu quả được chính phủ hỗ trợ sẽ trở thành các công ty "xác sống" (zombie): Mắc nợ quá mức, tăng trưởng thấp, làm suy yếu tiến bộ kỹ thuật toàn cầu và ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn.

Cuối cùng, các quy định về khí hậu có một nhược điểm lớn là mỗi quy định tương ứng với một mức giá CO2 ngầm định.

Điều này có nghĩa là giá CO2 được sử dụng để điều tiết giao thông không giống giá được sử dụng để điều tiết xây dựng. Nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch sẽ không được phân phối hợp lý đối với các hoạt động khác nhau.

Ông Patrick Artus kết luận, chúng ta đều hiểu tại sao các nước châu Âu đang ngày càng rời xa các cơ chế của nền kinh tế thị trường, song lại không chắc chắn rằng những cái giá phải trả đã được phân tích chính xác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục