Phải chăng cạnh tranh đang dần thay thế hợp tác ở Bắc Cực?

Bắc Cực trở thành nơi cạnh tranh tài nguyên khốc liệt đối với một bên là Nga, và bên kia gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy. Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với Bắc Cực.
Binh sỹ Nga gác tại căn cứ quân sự ở đảo Kotelny, bên kia Bắc Cực. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng euronews.com đưa tin Ngoại trưởng các quốc gia Bắc Cực đã nhóm họp ngày 20/5 tại Reykjavik, thủ đô Iceland, nơi Moskva nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bắc Cực.

Đây là một diễn đàn đa phương có sự tham gia của các quốc gia thành viên NATO và Nga - đối thủ chính của liên minh quân sự này.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh việc Nga phát triển căn cứ không quân tại Nagurskoye đang khiến phương Tây lo lắng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố sau khi đặt chân tới Iceland hôm 18/5: “Chúng tôi quan ngại về một số hoạt động quân sự gần đây ở Bắc Cực. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố và tính toán sai lầm, làm xói mòn mục tiêu chung về một tương lai hòa bình và bền vững cho khu vực.”

Đáp lại, Moskva tuyên bố đây là sự mở rộng một cơ sở chiến lược mang tính hợp pháp và cần thiết, phù hợp với mục tiêu của quốc gia này đối với khu vực.

Bắc Cực được cho là sở hữu tới 1/4 trữ lượng dầu mỏ và khí đốt chưa được phát hiện. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự tan băng tạo ra cơ hội mới cho các tuyến vận chuyển hàng hóa và tài nguyên.

Do đó, khu vực này trở thành nơi cạnh tranh tài nguyên khốc liệt đối với một bên là Nga, và bên kia gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy. Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với Bắc Cực.

Tuy nhiên, các lãnh đạo gặp nhau tại Iceland cũng chia sẻ những lợi ích chung tại Vòng Bắc Cực, khu vực vốn có một lịch sử hợp tác về môi trường và phát triển bền vững.

Các ngoại trưởng Bắc Cực nhấn mạnh Bắc Cực cần tiếp tục là một khu vực hợp tác và không xung đột.

[Ngoại trưởng Blinken: Mỹ muốn "tránh quân sự hóa" Bắc Cực]

Cạnh tranh và hợp tác sẽ được thể hiện như thế nào tại hội nghị Hội đồng Bắc Cực ở Reykjavik? Liệu Cực Bắc có bị cuốn vào vòng xoáy xung đột trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây?

Trước thềm hội nghị, trang euronews.com đã  đánh giá về những thách thức của hội nghị cũng như lập trường và lợi ích của các cường quốc trong khu vực.

Tại sao Bắc Cực lại mang tính chiến lược?

Rockford Weitz, Giáo sư thực hành và là Giám đốc chương trình nghiên cứu hàng hải tại trường Đại học Tufts, nói: “Xét trên nhiều góc độ, Bắc Cực là thị trường mới nhất trên thế giới. Trước đây, do điều kiện khắc nghiệt và băng giá, con người không thực sự dành nhiều thời gian ở Bắc Cực. Điều này đã bắt đầu thay đổi cách đây khoảng 15 năm khi băng ở biển Bắc Cực bắt đầu tan, và mở ra cơ hội để chúng ta có thể tiếp cận nguồn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và khoáng sản. Tất cả các quốc gia đều quan tâm tới khai thác tài nguyên, sự khác nhau chỉ nằm ở mức độ."

"Người Nga quan tâm tới việc khai thác khí đốt, khoáng sản và dầu thô nhiều hơn, nhưng các quốc gia khác vẫn có mối quan tâm nhất định... Canada, các quốc gia Bắc Âu và nước Mỹ dưới thời Chính quyền Biden thực sự chú trọng đến vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và môi trường bền vững.”

Ngay cả các quốc gia không thuộc Bắc Cực cũng đang ngày càng quan tâm tới khu vực này.

Theo Weitz, Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng “đi qua Eo biển Bering và có thể khai thác khí đốt tự nhiên từ Na Uy và Nga, nhập khẩu và vận chuyển chúng qua tuyến Bắc Cực và Bắc Thái Bình Dương để tránh Kênh đào Suez và Eo biển Malacca.”

Theo Giáo sư Weitz, “các quốc gia gần Bắc Cực thường quan tâm tới cơ hội kinh tế. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu - bao gồm Pháp và Anh - cũng quan tâm tới các cơ hội quân sự mà Bắc Cực mang lại.”

Tầm quan trọng chiến lược của Bắc Cực tỷ lệ nghịch với dân số của khu vực này. “Đây là một không gian rất rộng và không có nhiều người ở. Chỉ 4,2 triệu người sống tại phía Bắc của Vòng Bắc Cực,” Weitz cho biết.

Hội đồng Bắc Cực là gì và hoạt động như thế nào?

Hội đồng Bắc Cực là một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1996, tập hợp 8 quốc gia Bắc Cực gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.

Đây là một diễn đàn quốc tế chuyên thảo luận các lĩnh vực hợp tác. Diễn đàn này khẳng định rõ là không đề cập các vấn đề quân sự và an ninh.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Weitz, "khi nhìn vào những lĩnh vực như thực thi luật đánh bắt cá hay hợp tác tuần duyên hoặc thực thi pháp luật, khoảng cách giữa các vấn đề an ninh và môi trường trở nên rất gần.”

Mặc dù 8 quốc gia Bắc Cực đóng vai trò chính trong hội đồng, nhưng họ không phải những thành viên duy nhất.

Theo ông Weitz, “Hội đồng Bắc Cực là một trong những tổ chức chức quốc tế rộng mở nhất đối với các thành viên khác. Tổ chức này có đại diện thường trực là người dân bản địa ở Bắc Cực, Hội đồng Saami, Hội đồng Inuits. Tất cả các cộng đồng bản địa quanh Bắc Cực đều có tư cách quan sát viên thường trực. Họ cũng kết nạp nhiều quốc gia khác. Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng có đại diện trong Hội đồng Bắc Cực với tư cách quan sát viên. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí Singapore và Ấn Độ cũng là các quan sát viên, nhưng chủ yếu chỉ đơn thuần quan sát những gì diễn ra tại các cuộc họp của Bắc Cực.”

Hội đồng Bắc Cực có ghế chủ tịch luân phiên với nhiệm kỳ 2 năm. Tuần này, Iceland sẽ chuyển giao ghế chủ tịch cho Nga. Trong nhiệm kỳ của mình, Iceland đã tập trung vào các vấn đề môi trường liên quan tới đại dương, rác thải nhựa, ô nhiễm... Phía Nga cho biết họ muốn tập trung vào phát triển bền vững.

Kỳ vọng gì ở cuộc gặp Reykjavik?

Theo Giáo sư Weitz, Hội nghị Reykjavik sẽ là một cuộc họp hiệu quả và mang tính hợp tác, một phần do Hội đồng Bắc Cực là một diễn đàn hợp tác. Vì vậy, mặc dù có sự cạnh tranh với việc nhiều bên, Nga và các nước NATO, tái quân sự hóa khu vực, nhưng vấn đề này thường sẽ không được thảo luận tại hội đồng.

Thay vào đó, Hội đồng Bắc Cực thường chỉ bàn về phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm, tạo ra một nền kinh tế bền vững cho người dân bản địa, triển khai phân phối vaccine tại khu vực...

Hội đồng Bắc Cực lần này cũng tạo cơ hội để Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken hội đàm trực tiếp bên lề hội nghị, vốn được mong đợi sẽ tạo nền tảng cho cuộc gặp Putin-Biden dự kiến diễn ra vào tháng tới.

Giáo sư Weitz nhận định: “Tại cuộc họp kín này, hai ngoại trưởng có thể sẽ trao đổi khá thẳng thắn về một số vấn đề chính giữa Nga và Mỹ, bao gồm chiến tranh mạng, Ukraine, Bắc Cực. Tuy nhiên, từ những tín hiệu mà tôi nhận thấy từ Chính quyền Biden cũng như từ Nga, họ đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng và hợp tác hơn là tiến tới xung đột.”

Cạnh tranh đang dần thay thế hợp tác ở Bắc Cực?

Ông Weitz nói: “Trong 20 năm qua, Bắc Cực từ một khu vực chủ yếu hợp tác đã trở nên cạnh tranh hơn, và chúng ta đang thấy các nỗ lực quân sự và ngoại giao ngày càng chủ động để ít nhất thể hiện được sự hiện diện tại đây.”

Vài năm trở lại đây, hoạt động tái quân sự hóa đã diễn ra tại khu vực này, thậm chí còn gia tăng khi căng thẳng giữa Moskva và phương Tây leo thang sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.

Katarzyna Zysk, Giáo sư quan hệ quốc tế và lịch sử hiện đại tại Viện nghiên cứu quốc phòng Na Uy, nói: “Mỹ cũng như các đồng minh trong NATO nhận thấy sự tăng cường hiện diện quân sự của Nga tại Bắc Cực trong bối cảnh Nga ngày càng leo thang các hành vi gây hấn trên trường quốc tế."

Do đó, Washington đã điều máy bay ném bom B1 tới Na Uy trong năm nay.

Bộ Ngoại giao Nga tuần trước đã chỉ trích “tiến trình Oslo hướng tới quân sự hóa Bắc Cực.”

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động Bastion tiến vào vị trí trên đảo Alexandra gần Nagurskoye, Nga .(Nguồn: AP)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Sự hiện diện gia tăng của Nga cũng như sự xuất hiện của nhiều căn cứ Nga ở Bắc Cực đã kích hoạt nhu cầu tăng cường sự hiện diện của NATO tại đây, trong đó tập trung vào năng lực hải quân, bao gồm cả đơn vị không quân của lực lượng hải quân, và quan trọng hơn là bảo vệ tuyến cáp biển xuyên Đại Tây Dương vốn truyền tải rất nhiều dữ liệu.”

Tuy nhiên, theo Weitz, hợp tác vẫn sẽ là mô hình chủ yếu trong khu vực ngay cả khi nó đang dần mất ưu thế. Một ví dụ của sự hợp tác đó là hợp tác Nga-Mỹ trong lĩnh vực tuần duyên.

Ông Weitz nói: “Có một thực tế chưa được đánh giá đúng mức là Mỹ và Nga đang duy trì hợp tác trong vấn đề tuần duyên tại Bắc Cực và Bắc Thái Bình Dương thông qua các diễn đàn bảo vệ bờ biển Bắc Cực và Bắc Thái Bình Dương. Tôi cho rằng chúng ta có thể đang ở giữa cạnh tranh và hợp tác, song vẫn còn cách khá xa xung đột.”

Liệu khu vực có rơi vào xung đột?

Tuy nhiên, trong tương lai, các kịch bản khác có thể dẫn tới xung đột ở khu vực. “Bạn có thể thấy trong tương lai, khi Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận hơn do biến đổi khí hậu và băng tan, một cuộc xung đột có thể sẽ xảy ra do một sự cố bắt nguồn từ tranh giành tài nguyên.”

Các ngư trường, biên giới biển hoặc các quyền đối với đáy biển Bắc Cực đều có thể trở thành những vấn đề tranh chấp.

Giáo sư Weitz giải thích: “Những tranh chấp này có thể sẽ dẫn tới va chạm giữa các lực lượng cảnh sát biển của các bên, nhưng sau đó cũng có thể biến thành đụng độ giữa các lực lượng hải quân. Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là tranh chấp giữa lực lượng cảnh sát biển và Hải quân Nga với lực lượng kết hợp của một vài quốc gia NATO sẽ biến thành xung đột. Mặc dù vậy, tin tốt là giữa Nga và NATO vẫn tồn tại các nghị định thư, các kênh đối thoại. Đây là một trong những lợi ích không ngờ tới của Chiến tranh Lạnh.”

Một kịch bản khác có thể xảy ra là xung đột bùng phát ở nơi khác và lan tới Bắc Cực. Một cuộc xung đột hải quân giữa Nga, NATO và Ukraine có thể bắt đầu ở Biển Đen, sau đó sẽ lan tới Bắc Cực.

Đó là một kịch bản khác mà trong đó Bắc Cực trở thành một khu vực xung đột như một phần của cuộc xung đột lớn hơn, mang tính toàn cầu./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục