Mười chín giờ ngày 21/7/1945, trời tối đen như mực. Bỗng chốc, những đám người từ đâu ùa về đình làng Mọc. Phải tới hàng trăm người tay cầm thúng, mủng xúm vào kho thóc duy nhất trong làng.
Trong chốc lát, đèn đuốc sáng choang cả khu vực đình, tiếng người hô hào ầm ĩ. Khí thế long trời lở đất của quần chúng nhân dân nổi dậy phá kho thóc Nhật.
Ông Nguyễn Đình Định nhớ lại thời khắc không thể nào quên của đời mình khi hòa chung với dòng người ầm ầm đổ về đình làng đêm hôm đó.
Cuộc nổi dậy phá kho thóc tại làng Mọc (Quan Nhân, Hà Nội hiện nay) và nhiều vùng miền lân cận đã mở đầu cho cao trào Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Đêm trường trước khởi nghĩa
Vào 65 năm trước, người thanh niên 17 tuổi Nguyễn Đình Định là công nhân Xí nghiệp Hỏa xa Hà Nội. Làm công ăn lương cho Tây, hàng ngày được chứng kiến những đòn thù của những chủ người Tây với anh em mình. Định ức lắm. Cậu nghĩ một ngày mình phải thoát khỏi cảnh trâu ngựa cho bọn chủ ngoại quốc này.
Thời điểm cuối năm 1944 đầu 1945, cao trào cách mạng diễn ra khắp nơi. Tại Hà Nội, những người cộng sản nằm vùng đã tổ chức quần chúng thành những nhóm nhỏ, chủ yếu làm nhiệm vụ nắm bắt tình hình và tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân.
Không bỏ qua cơ hội thoát khỏi cảnh làm thuê ô nhục, Định cũng bí mật tham gia Việt Minh để hưởng ứng phong trào cứu quốc của dân tộc. Ngày đó, nhóm ba người của Định được rải truyền đơn, dán khẩu hiệu tuyên truyền đánh đổ giặc Pháp-Nhật giành độc lập cho dân tộc.
“Phạm vi hoạt động của tổ tôi ngày đó kéo dài từ làng Mọc tới Ngã Tư Sở. Cứ mỗi trưa và tối, sau giờ làm tôi và anh em trong tổ lại đi khắp thôn cùng ngõ vắng để bí mật đưa truyền đơn đến quần chúng,” ông Định hồi tưởng.
Trong ký ức của ông lão 82 tuổi, những ngày thanh niên sôi nổi ấy vẫn còn vẫn hằn nguyên. Những con đường hun hút gió của Thủ đô đâu đâu cũng thấy không khí cách mạng lan tràn. Câu chuyện cửa miệng của thanh niên khi ấy là đánh đổ quân thù.
Trong lòng cái làng Mọc nhỏ, mặc dù Định vẫn thấy có những gia đình ba ngày liền không có nổi một hạt cơm nhét bụng. Trên mặt những đứa trẻ, anh chỉ thấy đôi mắt cụp xuống ủ rũ vì thiếu ăn. Cả một vùng ao chiêm trũng Quan Nhân chìm trong cơn đói dài chưa hẹn ngày kết thúc.
Nhưng, đây đó, trong đêm sâu thẳm vẫn có những tiếng thì thầm của cán bộ Việt Minh gõ cửa từng nhà động viên chờ ngày khởi nghĩa.
Trống canh đã điểm
Tức nước thì vỡ bờ. Cơn đói lịch sử quét qua làng Mọc như một giọt nước cuối cùng làm ly nước vốn đã đầy ứ, tràn ra. Ngay khi ấy, tin từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình về việc người dân ào lên phá kho thóc cứu đói liên tiếp đổ về. Mỗi người làng Mọc khi đó đều thấy trong mình hừng hực khí thế.
Chiều ngày 21/7/1945, một cán bộ Việt Minh đã bí mật về làng họp bàn cùng với những cốt cán cách mạng ở làng. Lời hiệu triệu dân làng tối nay sẽ phá kho thóc Nhật được phát đi rộng rãi.
“Tôi vẫn nhớ rõ, ngay khi cuộc họp vừa tàn, một kế hoạch chi tiết đã được đưa ra. Theo đó, tôi cùng hai người nữa được giao trách nhiệm cảnh giới để cho nhân dân cùng ào vào kho thóc,” ông Định trầm ngâm.
Khắp ngõ ngách nhỏ của làng chiêm trũng bỗng như vặn mình theo kêu gọi của Việt Minh. Từ người già tới thanh thiếu niên sục sôi khí thế. Lúc này, tổ của ông Định gấp rút thực hiện nhiệm vụ.
“Điều khó nhất lúc này là cảnh báo thật nhanh khi có lính Nhật tràn về. Tổ tôi có ba người chia làm ba vòng kéo dài từ đình ngoài tới tận cửa kho thóc. Tôi phụ trách vòng trong cùng, ngoài nhiệm vụ cảnh báo an ninh của cuộc nổi dậy thì phải bí mật theo dõi động thái của những tên Việt gian nằm vùng trong làng,” ông Định nhớ lại.
Vào 18 giờ, một buổi diễn thuyết ngay trước cổng đình Quan Nhân được diễn ra. Cán bộ Việt Minh vạch tội ác của Pháp – Nhật thu thóc, phá lúa khiến cho dân ta chết đói và hô hào bà con mình tham gia cách mạng.
Đám người đông lên từng phút, trong chốt lát đã tập hợp được hàng trăm người. Những ánh mắt đăm đăm của dân nghèo như nuốt lấy từng lời của cán bộ Việt Minh. Những phận người leo lắt mới trải qua trận đói khủng khiếp như được truyền làn sinh khí mới.
Sau lời hiệu triệu khí thế sấm rền, lũ lượt người tràn vào kín sân đình. Kho thóc xé toang, những thúng thóc được tay người truyền nhau trong tiếng hò vang rộn rã.
Lúc này, ở ngay cửa sân đình, ông Định đang dán mắt theo dõi từng hành động cử chỉ lạ xuất hiện trong khu vực.
“Có tốp người lạ đến thoáng qua rồi đi. Có lẽ, với khí thế ngút trời của nhân dân, họ [đám người lạ, PV] không thể làm gì,” ông Định nhớ lại.
Sáu nhăm năm sau, trong tiết trời thu Hà Nội, ba người trong tổ tuyên truyền bảo vệ cướp kho thóc Nhật năm xưa giờ chỉ còn một. Đã 82 tuổi, vào cái tuổi gần đất xa trời, ông Định mới ngẫm lại rằng, cuộc đời ông cũng như thế hệ ông không còn lựa chọn nào khác là đi theo tiếng gọi của dân tộc.
“Cách mạng tháng Tám vĩ đại đã thay đổi cuộc đời tôi cũng như của cả dân tộc đang ở thời khắc tận cùng đói khổ,” ông Định đúc kết./.
Trong chốc lát, đèn đuốc sáng choang cả khu vực đình, tiếng người hô hào ầm ĩ. Khí thế long trời lở đất của quần chúng nhân dân nổi dậy phá kho thóc Nhật.
Ông Nguyễn Đình Định nhớ lại thời khắc không thể nào quên của đời mình khi hòa chung với dòng người ầm ầm đổ về đình làng đêm hôm đó.
Cuộc nổi dậy phá kho thóc tại làng Mọc (Quan Nhân, Hà Nội hiện nay) và nhiều vùng miền lân cận đã mở đầu cho cao trào Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Đêm trường trước khởi nghĩa
Vào 65 năm trước, người thanh niên 17 tuổi Nguyễn Đình Định là công nhân Xí nghiệp Hỏa xa Hà Nội. Làm công ăn lương cho Tây, hàng ngày được chứng kiến những đòn thù của những chủ người Tây với anh em mình. Định ức lắm. Cậu nghĩ một ngày mình phải thoát khỏi cảnh trâu ngựa cho bọn chủ ngoại quốc này.
Thời điểm cuối năm 1944 đầu 1945, cao trào cách mạng diễn ra khắp nơi. Tại Hà Nội, những người cộng sản nằm vùng đã tổ chức quần chúng thành những nhóm nhỏ, chủ yếu làm nhiệm vụ nắm bắt tình hình và tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân.
Không bỏ qua cơ hội thoát khỏi cảnh làm thuê ô nhục, Định cũng bí mật tham gia Việt Minh để hưởng ứng phong trào cứu quốc của dân tộc. Ngày đó, nhóm ba người của Định được rải truyền đơn, dán khẩu hiệu tuyên truyền đánh đổ giặc Pháp-Nhật giành độc lập cho dân tộc.
“Phạm vi hoạt động của tổ tôi ngày đó kéo dài từ làng Mọc tới Ngã Tư Sở. Cứ mỗi trưa và tối, sau giờ làm tôi và anh em trong tổ lại đi khắp thôn cùng ngõ vắng để bí mật đưa truyền đơn đến quần chúng,” ông Định hồi tưởng.
Trong ký ức của ông lão 82 tuổi, những ngày thanh niên sôi nổi ấy vẫn còn vẫn hằn nguyên. Những con đường hun hút gió của Thủ đô đâu đâu cũng thấy không khí cách mạng lan tràn. Câu chuyện cửa miệng của thanh niên khi ấy là đánh đổ quân thù.
Trong lòng cái làng Mọc nhỏ, mặc dù Định vẫn thấy có những gia đình ba ngày liền không có nổi một hạt cơm nhét bụng. Trên mặt những đứa trẻ, anh chỉ thấy đôi mắt cụp xuống ủ rũ vì thiếu ăn. Cả một vùng ao chiêm trũng Quan Nhân chìm trong cơn đói dài chưa hẹn ngày kết thúc.
Nhưng, đây đó, trong đêm sâu thẳm vẫn có những tiếng thì thầm của cán bộ Việt Minh gõ cửa từng nhà động viên chờ ngày khởi nghĩa.
Trống canh đã điểm
Tức nước thì vỡ bờ. Cơn đói lịch sử quét qua làng Mọc như một giọt nước cuối cùng làm ly nước vốn đã đầy ứ, tràn ra. Ngay khi ấy, tin từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình về việc người dân ào lên phá kho thóc cứu đói liên tiếp đổ về. Mỗi người làng Mọc khi đó đều thấy trong mình hừng hực khí thế.
Chiều ngày 21/7/1945, một cán bộ Việt Minh đã bí mật về làng họp bàn cùng với những cốt cán cách mạng ở làng. Lời hiệu triệu dân làng tối nay sẽ phá kho thóc Nhật được phát đi rộng rãi.
“Tôi vẫn nhớ rõ, ngay khi cuộc họp vừa tàn, một kế hoạch chi tiết đã được đưa ra. Theo đó, tôi cùng hai người nữa được giao trách nhiệm cảnh giới để cho nhân dân cùng ào vào kho thóc,” ông Định trầm ngâm.
Khắp ngõ ngách nhỏ của làng chiêm trũng bỗng như vặn mình theo kêu gọi của Việt Minh. Từ người già tới thanh thiếu niên sục sôi khí thế. Lúc này, tổ của ông Định gấp rút thực hiện nhiệm vụ.
“Điều khó nhất lúc này là cảnh báo thật nhanh khi có lính Nhật tràn về. Tổ tôi có ba người chia làm ba vòng kéo dài từ đình ngoài tới tận cửa kho thóc. Tôi phụ trách vòng trong cùng, ngoài nhiệm vụ cảnh báo an ninh của cuộc nổi dậy thì phải bí mật theo dõi động thái của những tên Việt gian nằm vùng trong làng,” ông Định nhớ lại.
Vào 18 giờ, một buổi diễn thuyết ngay trước cổng đình Quan Nhân được diễn ra. Cán bộ Việt Minh vạch tội ác của Pháp – Nhật thu thóc, phá lúa khiến cho dân ta chết đói và hô hào bà con mình tham gia cách mạng.
Đám người đông lên từng phút, trong chốt lát đã tập hợp được hàng trăm người. Những ánh mắt đăm đăm của dân nghèo như nuốt lấy từng lời của cán bộ Việt Minh. Những phận người leo lắt mới trải qua trận đói khủng khiếp như được truyền làn sinh khí mới.
Sau lời hiệu triệu khí thế sấm rền, lũ lượt người tràn vào kín sân đình. Kho thóc xé toang, những thúng thóc được tay người truyền nhau trong tiếng hò vang rộn rã.
Lúc này, ở ngay cửa sân đình, ông Định đang dán mắt theo dõi từng hành động cử chỉ lạ xuất hiện trong khu vực.
“Có tốp người lạ đến thoáng qua rồi đi. Có lẽ, với khí thế ngút trời của nhân dân, họ [đám người lạ, PV] không thể làm gì,” ông Định nhớ lại.
Sáu nhăm năm sau, trong tiết trời thu Hà Nội, ba người trong tổ tuyên truyền bảo vệ cướp kho thóc Nhật năm xưa giờ chỉ còn một. Đã 82 tuổi, vào cái tuổi gần đất xa trời, ông Định mới ngẫm lại rằng, cuộc đời ông cũng như thế hệ ông không còn lựa chọn nào khác là đi theo tiếng gọi của dân tộc.
“Cách mạng tháng Tám vĩ đại đã thay đổi cuộc đời tôi cũng như của cả dân tộc đang ở thời khắc tận cùng đói khổ,” ông Định đúc kết./.
Thông Chí-Xuân Dũng (Vietnam+)