Thực hư chuyện "phá đình bán gỗ sưa”

Phá đình bán gỗ sưa: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Trong khi dân địa phương vô cùng bức xúc thì đại diện Ban Khánh tiết lại cho rằng, việc bán bốn thanh gỗ sưa được thực hiện nhằm tu sửa ngôi đình.

Bốn thanh gỗ sưa (trọng lượng khoảng 127,5 kg) ở đình Cựu Quán (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã bị dỡ xuống và bán cho trụ trì chùa Cựu Quán ngay bên cạnh, mà theo thông tin chưa kiểm chứng là với giá 10 triệu đồng/kg.

Ông Trương Văn Thảo, Trưởng Công an xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, sự việc trên xảy ra tại địa bàn xã Đức Thượng vào khoảng tối ngày 2/3.

Trong khi người dân địa phương đang vô cùng bức xúc thì đại diện Ban Khánh tiết lại cho rằng, việc làm này được thực hiện nhằm tu sửa ngôi đình.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Theo phản ánh của người dân thôn Cựu Quán, tối 2/3, người dân phát hiện một phần mái đình làng bị phá dỡ. Bốn thanh gỗ sưa quý bỗng nhiên mất tích.

Bà Nguyễn Thị Trọng, một người dân ở thôn Cựu Quán cho hay: Vào khoảng 18 giờ ngày 2/3, bà nhận được tin có người báo là gỗ sưa của đình làng bị bán trộm. 

“Nghe vậy, tôi chạy ra đình với mục đích để giữ lại gỗ sưa. Tuy nhiên khi đến nơi thì tôi  phát hiện mái đình đã bị phá dỡ trước đó. Cùng với đó, bốn thanh gỗ sưa quý đã được mang sang chùa Cựu Quán và đang thực hiện việc cân kéo, bán mua,” bà Trọng kể lại.

Theo lời kể của bà, tại sân chùa lúc này có một nhóm người gồm: Ni sư Thích Nữ Diệu Bản - trụ trì chùa Cựu Quán, ông Nguyễn Phú Lực - Trưởng thôn, ông Nguyễn Ích Chắt - Trưởng ban Khánh tiết, ông Nguyễn Ích Bạ - Phó ban Khánh tiết và ông Nguyễn Hữu Thắng - người trông coi đình và một số người khác…

Bà Trọng bức xúc kể, khi bà phản đối về việc tự ý phá dỡ đình bán gỗ sưa thì ông Nguyễn Ích Chắt tuyên bố: Việc bán gỗ sưa là có chủ trương của ban lãnh đạo, ban Khánh tiết và các cụ.

Tuy nhiên, “khi tôi hỏi cụ thể danh tính các cụ chủ trương việc mua bán này là ai thì ông Chắt không nói gì,” bà Trọng cho hay.

Cùng chứng kiến sự việc trên với bà Trọng, ông Nguyễn Đình Bảo (thôn Cựu Quán) cho biết: “Vào thời điểm trên, khi tôi ra tới đình thì thấy nhóm người trong ban Khánh tiết đang cân gỗ sưa để bán. Khi tôi ngăn không cho bán thì ông Chắt (Trưởng ban Khánh tiết) có cầm biên bản bán gỗ sưa đọc cho tôi và bà Trọng nghe”.

Mái đình làng bị tháo dỡ lấy gỗ sưa (Ảnh: CTV)

Ông Bảo cho biết, theo giấy tờ mua bán, tổng số 4 thanh gỗ sưa có trọng lượng là 127,5kg được bán với giá 10 triệu đồng/kg. Sau khi thực hiện xong việc mua bán, số gỗ sưa này được một ôtô chở đi ngay?!

Người mua gỗ là trụ trì chùa bên cạnh

Sau khi sự việc xảy ra, người dân thôn Cựu Quán đã có cuộc họp bàn.

"Chúng tôi có mời nhóm người tổ chức bán gỗ sưa đến họp, nhưng chỉ có ông Nguyễn Phú Lực, Trưởng thôn và ông Nguyễn Phú Ngà đến họp. Qua đó, chúng tôi được biết bốn  thanh gỗ sưa được bán cho Ni sư Thích Nữ Diệu Bản," ông Nguyễn Xuân Phong, hội viên Chi hội người cao tuổi thôn Cựu Quán cho hay.

Liên quan đến vụ việc này, ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch xã Đức Thượng cho biết: Vào khoảng 18 giờ ngày 2/3, có một bộ phận trong ban Khánh tiết đã thống nhất với nhau dỡ mái đình bán gỗ sưa, mục đích để tu sửa đình, nhưng chưa được sự đồng ý của người dân.

Trao đổi với báo chí, ông Trương Văn Thảo, Trưởng Công an xã Đức Thượng xác nhận, bốn thanh gỗ sưa có khối lượng 127,5kg được bán cho trụ trì chùa Cựu Quán.

"Bước đầu, vị trụ trì này thừa nhận là mua gỗ sưa để làm kỷ niệm, nhưng không rõ là đã chuyển gỗ sưa đi đâu, hiện tại vị sư này cũng không có mặt ở chùa. Chúng tôi đang phối hợp với Công an huyện Hoài Đức để làm rõ," ông Thảo cho biết.

Theo người dân thôn Cựu Quán, đình làng Cựu Quán (hay còn gọi là quán Cựu Quán) thờ Lục vị Đại vương có lịch sử lâu đời. Vào những ngày Rằm hay Mồng Một, người dân đến dâng hương, đã được duy trì hàng trăm năm nay. Bên trong đình có nhiều gỗ sưa quý do các cụ xưa để lại, trước đây thường dùng để làm bàn ghế, nơi thờ tự, trong đó có 4 thanh kẻ bằng gỗ sưa được làm mái vảy đình để che mưa nắng.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, lãnh đạo Sở đã nắm được tình hình và đã cử cán bộ về đình Cựu Quán để tìm hiểu thêm tình hình thực tế.

Vị lãnh đạo  ngành văn hóa này cho hay, đến thời điểm xảy ra vụ việc, Hà Nội chưa có dự án tu bổ đình Cựu Quán. Ngôi đình này đã từng chuẩn bị hồ sơ để xếp hạng di tích; tuy nhiên, hồ sơ này chưa hoàn thành. “Dù vậy, đình Cựu Quán vẫn nằm trong danh mục kiểm kê để bảo vệ. Bởi vậy, mọi việc làm liên quan đến ngôi đình này đều cần tuân theo luật quy định,” ông Tiến bày tỏ.

“Mọi hành vi sai quy định của pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm khắc,” ông Tiến nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục