“Chuyển đổi Số trong lĩnh vực y tế vẫn còn quá chậm, nhiều địa phương, sở y tế vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, trong khi đó cơ chế tài chính để phát triển hệ thống công nghệ thông tin - nền tảng cơ bản của Chuyển đổi Số vẫn chưa đầy đủ."
Đây là nhận định của Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) tại Hội nghị Quốc tế Health Infomatic lần thứ 3 “Hướng đến chăm sóc sức khỏe thông minh trong thời đại Chuyển đổi Số” được tổ chức vào chiều 11/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết khảo sát của Bộ Y tế trong năm 2022 cho thấy chỉ có 42,9% cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc sử dụng phần mềm quản lý ghi chép hồ sơ bệnh án, 3% cơ sở y tế bỏ được hồ sơ bệnh án giấy và có đến 32,5% cơ sở chưa triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, ghi chép hồ sơ bệnh án.
Như vậy, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh đánh giá dù Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã có sự chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cơ sở đẩy mạnh Chuyển đổi Số song hiện nay, công tác Chuyển đổi Số tại các cơ sở y tế vẫn còn quá chậm.
Đánh giá nguyên nhân, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng một số chính quyền địa phương, Sở Y tế, bệnh viện vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác Chuyển đổi Số trong lĩnh vực y tế. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh hiện chưa có hệ thống quản lý công nghệ thông tin đầy đủ, chưa chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ chế tài chính hiện vẫn chưa đầy đủ khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, nhất là trong bối cảnh viện phí vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành, trong đó có công nghệ thông tin.
Đồng quan điểm, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Công nghệ Thông tin Y học cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của việc đẩy mạnh Chuyển đổi Số trong lĩnh vực y tế là cơ chế tài chính. Theo tính toán, kinh phí cho công nghệ thông tin sẽ chiếm khoảng 1,5% trong tổng giá thành dịch vụ y tế. Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành thì mới thúc đẩy mạnh mẽ Chuyển đổi Số.
[Cơ hội đưa ngành Y tế Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới]
Bên cạnh đó, quyết tâm của các lãnh đạo bệnh viện cũng vô cùng quan trọng. Đa số các giám đốc bệnh viện đều quá bận cho công tác chuyên môn, chưa quan tâm sâu sát đến các ứng dụng công nghệ thông tin, Chuyển đổi Số.
Cùng với đó, theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Quý Tường, Chuyển đổi Số nghĩa là phải thay đổi lề lối, nề nếp làm việc mới thay cho phong cách làm việc cũ. Điều này tác động lớn đến toàn bộ công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành. Do đó, để Chuyển đổi Số nhanh cần sự quyết tâm lớn của toàn ngành y tế.
Hội nghị Quốc tế Health Infomatic lần thứ 3 “Hướng đến chăm sóc sức khỏe thông minh trong thời đại Chuyển đổi Số” do Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/10, thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, đại biểu đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Anh, Singapore, Việt Nam.
Hội nghị tập trung chủ đề xây dựng hệ thống y tế thông minh, Chuyển đổi Số trong bối cảnh COVID-19 đã làm bộc lộ những bất cập trong tổ chức, vận hành hệ thống y tế trên toàn cầu, đồng thời thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và giúp mọi người đoàn kết, chia sẻ.
Tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng y tế là lĩnh vực an sinh xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc, nhất là công nghệ thông tin (công cụ then chốt giúp xây dựng xã hội thông minh) thì lĩnh vực y tế cũng cần bắt kịp xu hướng này để mang đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng hội nghị sẽ góp phần định hướng cho thành phố các giải pháp xây dựng hệ thống y tế thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, cung ứng được dịch vụ y tế chất lượng, hiệu quả và công bằng./.