PGS Văn Như Cương: “Trước hết, các em phải là những người tử tế!”

Hội thảo "Thầy Văn Như Cương-Người mở đường" đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia giáo dục, các thế hệ giáo viên và đặc biệt là các thế hệ học sinh của Trường Dân lập Lương Thế Vinh.
Phó giáo sư Văn Như Cương bên các học trò. (Ảnh: Trường Lương Thế Vinh)

“Thầy dạy chúng tôi: ‘Cho dù sau này các em có là bất cứ ai thì trước hết, các em phải là những người tử tế!’. Chúng tôi đã thiết kế một ấn phẩm để mỗi cựu học sinh luôn nhớ đến lời dạy đó của thầy, đặt trên bàn làm việc. Cộng đồng học sinh Lương Thế Vinh không đông như cộng đồng học sinh các trường khác, nhưng sẽ luôn mang trong mình hình ảnh người thầy kính yêu và ngôi trường mến yêu.”

Những lời chia sẻ của anh Nguyễn Đức Phong, cựu học sinh khóa 1995-1998, Trường Dân lập Lương Thế Vinh tại hội thảo “Thầy Văn Như Cương- Người mở đường” khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động. Hội thảo do Trường Lương Thế Vinh và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 1/10, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường Lương Thế Vinh.

Người mở đường

Năm 1988, cùng với nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, nhà giáo Văn Như Cương viết đơn lên Bộ Giáo dục xin thành lập Trường Dân lập Lương Thế Vinh, một sự kiện chưa từng có tiền lệ kể từ sau khi miền Bắc được giải phóng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi đó là giáo sư Phạm Minh Hạc đã phải mở một cuộc hội thảo để lấy ý kiến. Sau đó, Bộ trưởng đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thể hiện rõ sự đồng tình với việc thành lập Trường Dân lập Lương Thế Vinh, nhưng phải nửa năm sau, Ủy ban Nhân dân Hà Nội mới có quyết định thành lập trường.

Sinh thời, thầy Văn Như Cương vẫn ví sự ra đời của Trường Lương Thế Vinh là một ca “đẻ khó.”

[PGS Văn Như Cương: Người lái đò miệt mài gần 60 năm không nghỉ]

Nhớ về những ngày đầu gian khó khi thành lập Trường Lương Thế Vinh, giáo sư Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ, trước 1954, Việt Nam có nhiều trường tư thục nhưng sau 1954, khái niệm tư thục ở Việt Nam khá nhạy cảm. Vì vậy, thầy Cương phải dùng từ “trường dân lập.”

Video Trường Dân lập Lương Thế Vinh: 30 năm thành lập:

Sau khi được thành lập, khó khăn chồng chất vì thiếu cơ sở vật chất, tài chính. Nhưng với sự yêu kính về tài năng và nhân cách của thầy Cương, nhiều giáo viên giỏi đã tự nguyện về dạy tại Trường Lương Thế Vinh. Thầy Nghiêm Ngọc Anh là một trong những giáo viên đầu tiên của những ngày khó khăn đó. “Tôi nói với anh Cương: Anh cứ để tôi dạy để thử sức mình ở ngôi trường mới, tôi không nhận thù lao, nhưng anh Cương vẫn kiên quyết trả lương,” thầy Nghiêm Ngọc Anh kể. Cũng theo thầy Nghiêm Ngọc Anh, trường khi đó rất nhiều khó khăn vì phải đi thuê cơ sở vật chất nên thường xuyên phải chuyển địa điểm, cho đến khi thuê được ở trường Trung cấp sư phạm mẫu giáo Hà Nội mới tạm ổn định.

Từ mô hình trường dân lập đầu tiên của thầy Văn Như Cương đã mở ra cả hệ thống giáo dục ngoài công lập ở Việt Nam hiện nay, phủ rộng từ mầm non đến đại học, góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, đồng thời tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy hệ thống trường công lập đổi mới.

Trong ký ức của hàng chục thế hệ học sinh, hình ảnh thầy Văn Như Cương hiện lên như một ông tiên giữa đời thực, cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, nhân hậu, vị tha. (Ảnh: Trường Lương Thế Vinh)

Người thầy vừa nghiêm khắc, vừa bao dung

Nguyễn Đức Phong vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên bước qua cổng Trường Lương Thế Vinh, anh đã rất bất ngờ. “Tôi thực sự xúc động trước tình yêu thương, tình cảm của các thầy cô vào thời điểm đó. Thầy cô đón chúng tôi vào lớp như người cha, người mẹ. Tôi nghĩ chính thầy Văn Như Cương đã lan tỏa tinh thần đó tới các giáo viên để vượt qua những khó khăn vất vả, thiếu thốn về cơ sở vật chất,” anh Phong chia sẻ.

Để theo học Trường Lương Thế Vinh, anh Phong phải đi học khá xa, đi xe đạp từ nhà ra bến xe buýt, gửi xe và bắt xe buýt đi học, rồi lại cuốc bộ gần hai cây số mới vào đến trường. Nhưng các thầy cô đã chuẩn bị các bài giảng sinh động với sự cảm thông, chia sẻ, như người bạn, làm công tác tư vấn về tâm lý, truyền thụ về kiến thức để những học sinh như anh yên tâm học tập.

Thầy cô tận tâm, nhưng Trường Lương Thế Vinh cũng nổi tiếng về sự nghiêm khắc trong kỷ luật và học tập. Học sinh không được nói tục, chửi bậy, phải lễ phép với thầy cô và sẽ bị đuổi học nếu hạnh kiểm yếu. “Tôi cũng từng suýt bị đuổi học vì hạnh kiểm yếu một học kỳ, nhưng nhờ thầy cô giúp đỡ, tôi đã thay đổi và may mắn được ở lại trường,” anh Phong kể.

[Tiễn biệt người thầy nổi tiếng, tài đức vẹn toàn Văn Như Cương]

Cũng theo anh Phong, ở các trường dân lập khác học khá nhàn, thứ Tư hàng tuần thậm chí chỉ học hai tiết nhưng Trường Lương Thế Vinh học kín 5, 6 tiết cả tuần. “Vì thế, cuối năm chúng tôi có thời gian dài từ hai đến ba tháng để thầy cô ôn tập kiến thức, làm quen với các dạng đề để chúng tôi tự tin hơn với các kỳ thi. Đó là điều chúng tôi luôn biết ơn thầy hiệu trưởng và các thầy cô giáo để chúng tôi có ngày hôm nay,” anh Phong chia sẻ.

Theo phó giáo sư Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ các nghiên cứu cho thấy, chất lượng giáo dục của một ngôi trường phụ thuộc vào người đứng đầu. Tại Trường Lương Thế Vinh, triết lý giáo dục được thầy Văn Như Cương lựa chọn là “có chí thì nên,” và toàn bộ quá trình phát triển của trường cũng như các học sinh đều thể hiện điều đó.

Phụ huynh chia sẻ về lý do chọn Trường Lương Thế Vinh

Với triết lý đó, từ một trường dân lập non trẻ ít thu hút học sinh ban đầu, Trường Lương Thế Vinh đã trở thành một trong những trường có chất lượng đào tạo tốt nhất Thủ đô. Từ chỗ không có nhiều lựa chọn học sinh, Trường Lương Thế Vinh đã trở thành ngôi trường có tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng, nơi tập hợp những học sinh xuất sắc của Hà Nội.

“Chính tài năng, nhiệt huyết và tấm gương đạo đức của thầy Văn Như Cương đã thu hút những giáo viên giỏi, kết nối họ lại với nhau. Như bản thân tôi, sau khi tốt nghiệp có rất nhiều cơ hội để dạy ở các trường chuyên, nhưng tôi vẫn quyết định về dạy Trường Lương Thế Vinh trong suốt 10 năm, với mục đích duy nhất là để học hỏi thầy,” phó giáo sư Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

Còn với những học trò như anh Nguyễn Thanh Phong, “Trường Lương Thế Vinh có bề dày chỉ 30 năm, không thể so sánh với lịch sử 100 năm của các trường khác, nhưng chúng tôi may mắn hơn họ là có thầy hiệu trưởng duy nhất như sợi chỉ đỏ kết nối và dẫn lối cho chúng tôi. Chúng tôi đã phải trải qua mất mát to lớn khi người thầy kính yêu của chúng tôi ra đi, nhưng chúng tôi đã cùng nén lại nỗi đau, đến vĩnh biệt thầy, cùng nhau hát vang bài hát “Bài học đầu tiên” như một lời tri ân người thầy đáng kính,” anh Phong xúc động nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục