PetroVietnam về đích sớm các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022

Đại diện PetroVietnam cho biết tổng doanh thu của toàn tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 4 tháng (khi 11 tháng ước đạt 854.000 tỷ đồng), xác lập kỷ lục mới kể từ khi thành lập.
Sản xuất xăng dầu của PetroVietnam hoàn thành kế hoạch cả năm vào ngày 23/11. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đến tháng 11, Tập đoàn PetroVietnam đã về đích trước kế hoạch tất cả các chỉ tiêu tài chính và sản lượng khai thác dầu khí của năm 2022, báo hiệu một năm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, tiếp đà tăng trưởng, thiết lập những kỷ lục mới.

Thông tin trên được ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến điều hành công tác sản xuất kinh doanh 11 tháng năm 2022, diễn ra ngày 9/12.

Khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường

Theo đại diện PetroVietnam, trong tháng 11/2022, giá dầu thô diễn biến khá phức tạp, giá dầu thế giới lao dốc khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng dịch COVID-19, phong tỏa nghiêm ngặt dẫn đến nhu cầu dầu tiếp tục suy yếu.

[PVN hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô trước 2 tháng 9 ngày]

Đặc biệt, EU đã thống nhất mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga bằng đường biển sẽ có tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới và tác động đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của PetroVietnam.

Trước tình hình đó, từ bài học kinh nghiệm thành công trong công tác quản trị biến động được triển khai hiệu quả, xuyên suốt từ năm 2020 đến nay; cùng các giải pháp hữu hiệu, kịp thời, linh hoạt theo phương châm hành động năm 2022 là “Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững,” tập đoàn tiếp tục đạt được kết quả tích cực.

Cụ thể, trong tháng 11/2022, toàn Tập đoàn ghi nhận thêm 1 nhiệm vụ và 3 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch cả năm trước thời hạn: Đưa công trình giàn RCRB-1 vào khai thác ngày 16/11 - sớm hơn so với kế hoạch 15 ngày; Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 14 ngày (đạt 1,6 triệu tấn vào ngày 16/11).

Ngoài ra, sản xuất xăng dầu (không gồm NSRP) hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 7 ngày (đạt 6,17 triệu tấn vào ngày 23/11); Khai thác dầu ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 1 ngày (đạt 1,7 triệu tấn vào ngày 29/11).

Đến ngày 16/11, Tập đoàn đã hoàn thành vượt kế hoạch công tác phát triển mỏ cả năm, đưa 5 mỏ/công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch năm của Tập đoàn. Các công trình được đưa vào khai thác sớm từ 15 ngày đến 2 tháng, góp phần tích cực gia tăng sản lượng, đảm bảo duy trì ổn định khai thác từ các mỏ của Tập đoàn trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, khai thác dầu thô hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 11 ngày (đạt 8,74 triệu tấn vào ngày 20/10). Sản lượng khí, điện, đạm, xăng dầu và các sản phẩm khác đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

"Sản lượng sản xuất đạt mức cao là động lực quan trọng tạo kết quả tài chính rất khả quan của PetroVietnam trong năm 2022 với tổng doanh thu toàn Tập đoàn và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay (kể cả những năm trước đây giá dầu cao hơn rất nhiều so với mức bình quân của năm 2022)," đại diện Tập đoàn cho hay.

Có chiến lược để thúc đẩy đầu tư

Với những kết quả trên, đại diện PetroVietnam thông tin, tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 4 tháng (trong 11 tháng ước đạt 854.000 tỷ đồng), xác lập kỷ lục mới kể từ khi thành lập Tập đoàn. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 6 tháng, tính chung 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 134,5 nghìn tỷ đồng.

Các mặt công tác khác đều được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật. PetroVietnam có 3 công trình, cụm công trình khoa học - công nghệ tiêu biểu được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, 3 công trình được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng giải thưởng của cả nước.

PetroVietnam mừng công hoàn thành kế hoạch khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc thực hiện Đề án Tái tạo Văn hóa doanh nghiệp PetroVietnam tiếp tục đạt kết quả tích cực; 6 đơn vị Dầu khí được tôn vinh Doannh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, chiếm 25% doanh nghiệp được tôn vinh trong cả nước…

Kết luận cuộc họp, Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo các nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh trong tháng còn lại của năm 2022 và chuẩn bị bước sang năm 2023 ở từng lĩnh vực hoạt động.

Ông Hùng đề nghị các đơn vị thành viên chủ động bám sát biến động kinh tế vĩ mô, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, diễn biến thị trường, đưa ra mục tiêu, giải pháp cho từng lĩnh vực để có những quyết sách kịp thời trong chỉ đạo, điều hành; tập trung điều hành khai thác với mục tiêu tiếp tục duy trì sản lượng.

Có chiến lược, sách lược để thúc đẩy hoạt động đầu tư cho năm 2023, đặc biệt là giải phóng các vướng mắc về cơ chế, chính sách khi Luật Dầu khí sửa đổi số 12/2022/QH15 được thông qua đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển cũng như phát triển năng lượng quốc gia.

Cùng với đó, rà soát các sản phẩm, dịch vụ chủ lực để có định hướng, kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp, tối ưu hóa nguồn lực, mô hình quản trị; thúc đẩy phát triển và nghiên cứu làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi;…

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý vấn đề suy giảm sản xuất toàn cầu, cùng với các bất định của tình hình địa chính trị trên thế giới, nợ công, lạm phát, lãi suất… khiến giá cả đầu vào tăng nhanh là một vấn đề rất lớn đã tác động trực tiếp, rõ nét đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của Tập đoàn trong quý 4/2022 và sẽ tiếp tục tác động trong năm 2023.

Do đó, bên cạnh các giải pháp về sản xuất, ông Hùng đề nghị các đơn vị cần tập trung duy trì quản trị biến động, quản trị chi phí, các giải pháp thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ của tập đoàn, đồng thời cần xác định được động lực, giải pháp để giữ vững mục tiêu ổn định, tăng trưởng bền vững trong toàn tập đoàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục