Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã và đang chủ động rà soát các vướng mắc quy định của pháp luật ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động của Tập đoàn để kịp thời có đề xuất, kiến nghị tháo gỡ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ đổi mới, hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ.
Trong chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một nội dung quan trọng là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ cam kết tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế trong nhiệm kỳ này.
Trong quá trình hoạt động thực tế, nhiều vướng mắc quy định của pháp luật đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của PetroVietnam.
[Quản trị hiệu quả, vượt mọi khó khăn đạt mức tăng trưởng cao]
Bên cạnh việc mong muốn sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành để tạo lực đẩy phát triển bền vững, PetroVietnam đã chủ động triển khai việc rà soát, đánh giá các vướng mắc trong quy định pháp luật đối với mọi mặt hoạt động, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất sửa đổi phù hợp để cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh.
Theo đại diện PetroVietnam, hiện tại, đang có khoảng 60 nội dung, vấn đề về quy định pháp luật cần được xem xét và kiến nghị sửa đổi tạo điều kiện đảm bảo cho sự phát triển của PetroVietnam nói riêng và các doanh nghiệp nói chung như các quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu... Cơ bản các quy định trong các văn bản Luật hiện nay cần được tháo gỡ do nguyên nhân chồng chéo và mâu thuẫn giữa các Luật, nghị định.
Dẫn quy định của Luật Đấu thầu, PetroVietnam cho biết sẽ gặp khó trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm trễ, khó khăn trong triển khai, có thể dẫn đến thiệt hại về kinh tế.
Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành Dầu khí, nhiều vấn đề, vướng mắc mà Petrovietnam gặp phải trong quá trình triển khai các hoạt động lại chưa có quy định trong các luật hiệnhành hoặc quy định không đầy đủ,hoặc quy định không phù hợp.
Có thể kể đến như quy định chưa rõ ràng đối với trường hợp các dự án nhóm A đã có trong quy hoạch có cần lập hay không cần lập Pre-FS đối với từng dự án thành phần.
Việc lập Pre-FS sẽ kéo dài thời gian và chi phí vì các thông tin cơbản trong Pre-FS đã được xem xét khi đưa Dự án vào quy hoạch. Chính việc kéo dài thời gian đã ảnh hưởng đến chuỗi dự án triển khai sau này, chậm tiến độ từng dự án cũng như cả chuỗi đầu tư.
Song song với rà soát lại các vướng mắc trong các quy định của pháp luật, PetroVietnam cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương soạn dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Nhận định về vấn đề xem xét, rà soát vướng mắc trong quy định pháp luật, Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh những vướng mắc này đang ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Trong bối cảnh hiện nay, nguồn tài nguyên dầu khí đang suy giảm, điều kiện để triển khai các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (E&P) càng khó khăn hơn khi phải thực hiện ở các vùng nước sâu xa bờ.
Cùng với đó, các cơ chế, chính sách cho hoạt động E&P cùng như các hoạt động đầu tư các dự án mới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn. Ngoài ra, các vấn đềtrong triển khai các lĩnh vực hoạt động khác của Tập đoàn nếu như không được giải quyết kịp thời, Petrovietnam sẽ không có điều kiện và cơ sở để tiếp tục phát triển theo chiến lược đề ra, tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh kinh tế,an ninh năng lượng quốc gia.
Với tinh thần quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp, PetroVietnam đã chủ động rà soát các vấn đề vướng mắc, từ đó tổng hợp, đưa ra các kiến nghị sửa đổi phù hợp.
Cùng với mong muốn sửa đổi Luật Dầu khí, việc kiến nghị đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật chưa phù hợp sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, tạo động lực, cơ hội đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới./.