Petrolimex lãi 20 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu

Năm 2012, giá xăng thay đổi 12 lần, 6 lần tăng tổng cộng là 6.050 đồng/lít, 6 lần giảm tương ứng 3.700 đồng/lít, so với  2011, giá xăng 2012 tăng 2.350 đồng/lít.
 

Năm 2012, tổng doanh thu của Tập đoàn Xăng dầu đạt 198.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011. Thông tin trên được ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xăng dầu Việt Nam  (Petrolimex) đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến tổng kết công tác năm 2012 của ngành công thương sáng 11/1.

Trong năm 2012, giá xăng trong nước đã thay đổi tổng cộng 12 lần, trong đó có 6 lần tăng tổng cộng là 6.050 đồng/lít và 6 lần giảm giá tương ứng 3.700 đồng/lít. Như vậy, so với giá năm 2011, thì giá xăng 2012 đã tăng 2.350 đồng/lít.

Dù mức xăng đã tăng như vậy, nhưng so với doanh thu chung thì mức lợi nhuận từ xăng dầu đem lại cho Petrolimex chỉ là con số rất nhỏ,  khoảng 20 tỷ đồng, chiếm 0,01%/doanh thu.

Theo giải thích của người đứng đầu Petrolimex thì nguyên nhân trên là do năm 2012 mặc dù giá xăng dầu thế giới không có nhiều đột biến so với 2011, nhưng trong nước việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu lạm phát nên thuế nhập khẩu xăng đưa về bằng 0% trong một thời gian, sau đó liên tục điều chỉnh và lên 12% như hiện nay.

"Việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá kéo dài như vậy đã gây áp lực lớn lên doanh nghiệp khiến giá không vận hành theo thị trường, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi đối với việc thực hiện Nghị định 84/CP tại sao giá xăng tăng nhanh mà giảm chậm," ông Bảo giải thích.

Do vậy, để ổn định giá xăng dầu theo ông Bùi Ngọc Bảo thì cần phải giữ ổn định mức thuế xăng dầu theo chu kỳ 6 tháng hay 1 năm.

Ngoài ra, đối với nghị định 84/CP ông Bảo cũng kiến nghị nên sớm điều chỉnh mức phí xăng dầu hiện là 600 đồng/lít, đã không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, khiến nhiều đại lý tư nhân không đảm bảo lợi nhuận để duy trì hoạt động kinh doanh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh đến việc sửa nghị định 84/CP nhằm đưa xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường, hơn nữa là đảm bảo tính công khai minh bạch của lĩnh vực này.

"Hiện Petrolimex vẫn chiếm thị phần chi phối nên cần công khai minh bạch mọi chi phí để hướng tới giá thị trường," Thủ tướng chỉ đạo.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2012, do nhu cầu giảm nên lượng nhập khẩu xăng dầu các loại đạt hơn 9,1 triệu tấn giảm khoảng 10% so với năm 2011. Trong đó, giảm nhiều nhất là mặt hàng dầu mazut do ngành điện năm 2012 sử dụng thủy điện nhiều; nhu cầu dầu diezel cũng giảm hơn 10%.

Đối với Petrolimex, sản lượng tiêu thụ xăng dầu các loại thực hiện trong năm 2012 cũng chỉ đạt 95% so với 2011.

Theo kế hoạch nhập khẩu xăng dầu năm 2013 do Bộ Công Thương phê duyệt cho 13 đầu mối khoảng hơn 9 triệu m3,tấn các loại thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đầu mối nhập khẩu lớn nhất với 5,18 triệu m3,tấn, chiếm 57,6% (bao gồm: 2,54 triệu m3 xăng, 2,33 triệu m3 diesel, 290.000 tấn dầu mazut và 20.000 m3 dầu hỏa.)

Tiếp theo mức phân giao của Petrolimex là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) với hạn mức nhập 1 triệu tấn,m3, trong đó có 230.000 m3 xăng, 720.000 m3 diesel và 50.000 tấn dầu mazut. Ngoài ra, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cũng được giao hạn mức 536.000 m3,tấn (255.000 m3 xăng, 275.000 m2 diesel và 6.000 m3 dầu hỏa)./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục