Peru tạm thời nối lại hoạt động khai thác dầu khí sau sự cố tràn dầu

Tổ chức Đánh giá và kiểm soát môi trường Peru (OEFA) cho biết việc cấp phép tạm thời này không đồng nghĩa với việc dỡ bỏ các biện pháp hành chính đối với các hoạt động khai thác dầu khí.
Công nhân dọn dầu loang tại bờ biển ở thị trấn Ancon, Peru sau sự cố tràn dầu liên quan thảm họa núi lửa phun trào ở Tonga, ngày 22/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/2, Cơ quan Quản lý môi trường Peru đã đồng ý cấp phép cho công ty Repsol nối lại các hoạt động khai thác dầu khí tại một nhà máy lọc dầu ở bờ biển Thái Bình Dương của nước này trong thời gian 10 ngày nhằm bảo đảm việc cung cấp dầu thô cho thị trường.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, trước đó, hoạt động của nhà máy lọc dầu La Pampilla đã buộc phải tạm dừng sau sự cố tràn hơn 10.000 thùng dầu ra biển giữa tháng 1 vừa qua, được coi là thảm họa môi trường lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây tại Peru.

Tổ chức Đánh giá và kiểm soát môi trường Peru (OEFA) cho biết việc cấp phép tạm thời này không đồng nghĩa với việc dỡ bỏ các biện pháp hành chính đối với các hoạt động khai thác dầu khí và các sản phẩm từ dầu mỏ tại nhà máy La Pampilla.

Chính phủ Peru cũng thừa nhận nước này đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhiên liệu sau khi lệnh cấm khai thác được ban bố.

[Peru ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường do sự cố tràn dầu]

Nhà máy lọc dầu La Pampilla thuộc sở hữu của tập đoàn đa quốc gia Repsol cung cấp khoảng 40% nguồn nhiên liệu cho thị trường Peru. Sau sự cố xảy ra, phía Repsol cũng đang nỗ lực xử lý số lượng dầu tràn ra biển để ổn định tình hình.

Hôm 15/1, một tàu chở dầu đang dỡ hàng tại nhà máy lọc dầu La Pampilla, cách thủ đô Lima 30 km về phía Bắc, đã gặp sóng lớn bất thường phát sinh từ thảm họa núi lửa phun trào ở Tonga cách đó khoảng 10.000 km.

Khoảng 10.000 thùng dầu đã đổ tràn ra biển, buộc Peru phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường sau sự cố này. Theo Bộ Môi trường Peru, hơn 180ha bãi biển (tương đương diện tích 270 sân bóng đá) và 713ha biển đã bị ảnh hưởng khiến nhiều loài chim và sinh vật biển bị chết, tác động nặng nề đến ngành du lịch và đánh bắt cá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục