PCI 2018: 37,7% doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ dưới 5 tỷ đồng

Báo cáo điều tra PCI 2018 chỉ ra thực trạng, các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng tăng từ 29,6% năm 2015 lên đến 37,7% năm 2018.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Cửa Lò - Nghệ An. ( Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Cửa Lò - Nghệ An. ( Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Báo cáo điều tra PCI hàng năm luôn có một phần trình bày kết quả điều tra cảm nhận của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) tại Việt Nam về những cải thiện chất lượng điều hành và những thách thức của khối ngoại tại Việt Nam.

[Chuyên gia WB: Chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao]

Và, kết quả điều tra PCI-FDI 2018 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp FDI vẫn lạc quan vào môi trường kinh doanh với nhiều gam màu sáng. Theo họ, đây kết quả của những nỗ lực cải cách bền bỉ của Chính phủ, nhờ đó những gánh nặng thực thi tại các quy định đã giảm, các chỉ số về tham nhũng cũng thay đổi tích cực và chất lượng cơ sở hạ tầng được nâng cao.

FDI quy mô nhỏ

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, hướng tới xuất khẩu và chuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia lớn, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường đến từ châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Báo cáo chỉ ra một thực trạng đáng lưu tâm, dữ liệu các năm gần đây đang cho thấy có sự gia tăng tỷ lệ các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ. Hiện, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng đã tăng từ 29,6% (năm 2015) lên đến 37,7% (năm 2018). Phần lớn doanh nghiệp hoạt động sản xuất kim loại, máy tính, điện tử và quang học, cao su và các sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp công nghệ cao đang gia tăng cho thấy có sự cải thiện hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.

PCI 2018: 37,7% doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ dưới 5 tỷ đồng ảnh 1• Xưởng thực hành tự động hóa với nhiều robot hiện đại tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Phiền hà từ hải quan, bảo hiểm xã hội và thuế

Về môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp FDI cho rằng những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đang dần có hiệu quả khi các chính sách đã tác động đến thực tiễn kinh doanh.

Cụ thể, việc phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm từ khoảng 70%  ở các năm 2012 - 2016 xuống còn 66,2% trong năm 2017 và nay là 42,6%.

Đáng ghi nhận, chỉ còn 1,4% doanh nghiệp phàn nàn bị thanh tra quá mức (tiếp đón từ 8 đoàn thanh, kiểm tra trở lên trong một năm) đã giảm từ 4,6% (năm 2016) xuống còn 3,4% (năm 2017).

Theo ông Đậu Anh Tuấn, khối ngoại cho biết ba lĩnh vực thủ tục hành chính đang gặp phiền hà nhất là hải quan, bảo hiểm xã hội và thuế.

Về chi phí không chính thức, Báo cáo cho biết tình hình cũng được cải thiện đáng kể và rõ nét hơn, 36,5% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức” và đã giảm so với  mức  44,6% trong năm 2017.

Ngoài ra, 39,9% doanh nghiệp đã không ngại tiết lộ tại phiếu điều tra rằng họ đã từng chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ thanh, kiểm tra (song con số này đã giảm so với mức 44,9% của năm ngoái).

Bên cạnh đó, chỉ còn 6,8% doanh nghiệp cho hay phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai đã giảm so với mức 17,5% trong năm 2017.

Mất điện… phổ biến

Trong sản xuất, việc mất điện sẽ gây tổn thiệt hại đến kết quả kinh doanh. Song thực tế việc cung cấp điện không ổn định vẫn còn phổ biến, khi có đến 87% doanh nghiệp FDI than phiền họ bị cắt điện trung bình 6 lần trong năm 2018.

Yếu tố khác chi phối đến hiệu quả sản xuất là lực lượng lao động, nhưng chất lượng lao động gần như không có sự chuyển biến trong nhiều năm qua. Theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI tại địa phương, chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề cho đối tượng lao động phổ thông là khá tích cực, song Việt Nan vẫn thiếu vắng các vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng cao.

Trong một diễn biến khác, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang phần nào mang đến những điểm thuận lợi cho lao động trong nước.

Bởi, các doanh nghiệp FDI cho biết sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn và chế độ đãi ngộ tốt cho lao động lành nghề nhằm mục đích nâng cao sản xuất xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn sang Hoa Kỳ.

“Mức độ sẵn sàng tăng chi phí cho lao động chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất mặt hàng chịu tác động từ chính sách thuế của Mỹ. Nhưng, những chi phí này tập trung cho việc tăng lương và chế độ đãi ngộ cho người lao động. Thực tế, các doanh nghiệp ít có xu hướng đầu tư nguồn lực cho việc cải thiện điều kiện lao động hay tăng chi phí cho hoạt động của đại diện người lao động,” ông Tuấn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục