Nửa thập kỷ sau ngày chia tay Alessandro Del Piero, Juventus cuối cùng cũng tìm ra người kế thừa chiếc áo của Alex đại đế. Không chỉ ở những bàn thắng liên tục mà còn là niềm cảm hứng từ chấm sút phạt trực tiếp.
Chiếc áo không tạo nên thày tu
Ngày Dybala mới chuyển tới Juventus từ Palermo, anh tự nhận lấy chiếc áo số 21 vừa được Andrea Pirlo, huyền thoại thứ hai trên những chấm sút phạt trực tiếp tại Italy bỏ lại.
“Chiếc áo được nhiệm màu,” Dybala vui vẻ trả lời sau khi sút thành công quả phạt vào lưới Udinese ở vòng 20. Đó là bàn thắng thứ hai từ chấm sút phạt của Dybala trong màu áo Juve trong vòng hai tuần. Bàn đầu tiên, vào lưới Hellas Verona mở ra chiến thắng 3-0, tưởng chừng chỉ là lần dứt điểm may mắn của ngôi sao người Argentina.
Nhưng tới lần thứ hai cái cổ chân trái của Dybala bẻ bóng cuộn vào lưới, người ta biết Dybala không phải một chàng trai bình thường.
Mùa trước, Dybala có ba bàn vào lưới các đối thủ từ chấm đá phạt. Trong cả ba cuộc đấu, Juve đều chiến thắng. Giờ thì mới chỉ qua có chưa đến hai tháng của mùa giải mới, La Joya đã có hai tình huống trừng phạt đối thủ từ chấm đá phạt.
Dybala không còn khoác áo số 21 của Andrea Pirlo nữa, anh giờ khoác lên mình chiếc áo số 10 của Alessandro Del Piero, Roberto Baggio, Michel Platini, những huyền thoại không chỉ trên chấm đá phạt trong lịch sử Juve.
Chiếc áo không tạo nên thày tu, Dybala dù khoác lên mình số 21 của Zinedine Zidane hay Pirlo, số 10 của Del Piero hay Baggio thì vẫn có khả năng tạo ra những đường cong tuyệt đẹp từ chấm đá phạt. Phong độ của La Joya cũng tốt tuyệt đối vào thời điểm hiện tại. Anh đã có tới 8 bàn/4 trận cho Juve trong mùa giải này, đứng đầu danh sách “Vua phá lưới” Serie A.
Góc kỹ thuật: Nhưng Dybala sẽ không thể sánh vai Del Piero
Cách nghiêng trụ, bẻ cổ chân của Dybala trên chấm đá phạt biến anh thành của hiếm trong làng bóng đá hiện tại. Trái với các cách sút phạt thông thường, Dybala dùng chân phải làm trụ và chấp nhận bẻ nghiêng 45 độ để có thể dùng lòng trong chân trái tiếp xúc với bóng theo thiết diện hẹp nhất. Nhờ kỹ thuật này, cú sút của Dybala sẽ cực xoáy và làm bó tay thủ thành đối phương.
Đây là một kỹ thuật khó, và có khả năng ảnh hưởng tới đôi chân của cầu thủ thực hiện, nhất là chân đặt trụ (với Dybala là chân phải). Những huyền thoại trên chấm đá phạt trong lịch sử bóng đá thế giới phần lớn chọn kỹ thuật dứt điểm không phức tạp như Dybala. Juninho và sau này là Andrea Pirlo có bí quyết dứt điểm bằng... ba ngón chân ở bàn chân phải. Pierre Van-Hoojdonk chủ động sút bằng má ngoài chân phải để tạo quỹ đạo xoáy cho bóng.
Những huyền thoại của quá khứ như Didi, Zico, Michel Platini cũng không ai chọn cách bẻ nghiêng chân trụ để tạo ra sự khác biệt trên chấm đá phạt. Tuyệt kỹ “Lá vàng rơi” đều được tạo ra bởi lòng trong chân phải cùng một bản đặt trụ bình thường, bí quyết lại nằm ở cách chọn đà. Didi, Zico, Platini chọn những bước lấy đà ngắn và dồn lực vào cú sút thay vì tìm cách bẻ bóng theo hướng xoáy nhất có thể.
Người duy nhất chấp nhận phương án bẻ trụ mạo hiểm này là David Beckham. Cựu tiền vệ Manchester United cũng như Real Madrid bẻ nghiêng trụ chân trái đúng một góc 45 độ trước khi sử dụng lòng trong chân phải để dứt điểm. Tuy nhiên cần phải làm rõ, Becks chỉ là một tiền vệ phải thông thường.
Kỹ năng qua người, rê bóng của tiền vệ người Anh đều ở mức trung bình. Còn Dybala là một tiền đạo, việc phải sử dụng những kỹ năng phức tạp kia đòi hỏi đôi chân phải luôn cứng cáp.
Sở dĩ nói Dybala sẽ không thể đạt tới đẳng cấp sút phạt của Alessandro Del Piero cũng là vì lẽ ấy. Những đôi chân bạc tỷ như Dybala sẽ phải đối mặt với không ít những va chạm ác ý khi thi đấu. Chính điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới Dybala trong những năm tới. Khi đôi chân bị đau tấy bởi những chấn thương, kỹ năng sút phạt phức tạp của anh sẽ bị giảm sút./.