Bước chân tự do của những vũ công đường phố

Parkour Việt Nam: Bước chân tự do của những vũ công đường phố

Parkou là một môn thể thao nhưng không được coi là thể thao, gần như một điệu nhảy nhưng cũng không được xếp cùng nhóm với loại hình này, mang hơi hướng của võ thuật nhưng cũng không phải võ thuật.
Parkour Việt Nam đang ở thời kỳ sơ khai. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Một buổi sáng đẹp trời, bạn ra khỏi nhà, ngẩng đầu lên để đón những luồng ánh sáng rực rỡ. Bỗng bạn khiếp vía khi nhận ra trên nóc nhà mình, ở chốn cư ngụ quen thuộc của loài chim, có những bóng đen bay nhảy liên tục. Đừng sợ, bạn có thể đang nhìn thấy những chàng trai tự do nhất, những traceur (người chơi Parkour) của môn Parkour.

1. Hãy đọc đoạn miêu tả ngắn gọn về môn thể thao kỳ lạ này: Parkour gần như là một môn thể thao nhưng lại không được coi là thể thao, gần như một điệu nhảy nhưng cũng không được xếp cùng nhóm với loại hình này, mang hơi hướng của võ thuật nhưng cũng không có “họ hàng” với võ thuật.

Parkour là một sự tổng hợp có sáng tạo của thể thao, nghệ thuật, võ thuật và trình diễn. Nói một cách rõ ràng, parkour nghĩa là chạy, vượt chướng ngại vật một cách nghệ thuật và an toàn.

Parkour ra đời ở Pháp từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khởi thủy, đây là môn thể thao được tập trong quân đội Pháp, dùng để thoát hiểm nhanh gọn trong các trường hợp nguy cấp ở những địa hình phức tạp khác nhau.

Sau đấy, Parkour được David Belle chuyển thể thành một môn thể thao. Belle vốn là một diễn viên đóng thế, một chuyên gia về võ thuật và thể thao. Những nỗ lực của Belle trong giai đoạn đầu đã góp phần giúp Parkour được phổ biến không chỉ trong giới quân sự. Sau này, nhiều cá nhân khác đã đóng góp và giúp Parkour nhanh chóng phổ biến ra khắp thế giới.

David Belle từng nói Parkour nghĩa là sự can đảm không liều lĩnh. Đó là sự can đảm của một người hiểu rõ khả năng của mình, dám chinh phục thử thách, không rụt rè và luôn đối mặt với nỗ sợ hãi của chính mình. Những hình ảnh trong các đoạn phim quảng cáo luôn nói về những gã “người nhện” leo tường và bay qua mái nhà.

Nhưng Parkour thực sự không phải như vậy. Parkour không khuyến khích người ta nhảy từ nóc nhà này sang nóc nhà khác. Parkour là môn thể thao đặt sự an toàn lên hàng đầu bởi xuất phát điểm của nó là để thoát hiểm. Bạn chỉ cần bay qua một chướng ngại thấp nhưng phù hợp với khả năng. Sự kỳ diệu của Parkour nằm ở phía sau cuộc chinh phục. Đó là lúc mỗi người bắt đầu khám phá những khả năng của bản thân mình, khám phá thế giới xung quanh mình. Những traceur tập cho chính mình chứ không tập cho người khác xem.

Chơi Parkour, bạn luôn phải đối mặt với nguy cơ chấn thương. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

2. Du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2006 qua những đoạn phim được đăng trên BBC, báo chí và internet, Parkour - với đặc tính dễ chơi, dễ học, đã có những bước phát triển đầu tiên đáng ghi nhận.

Hiện, có năm tới sáu câu lạc bộ Parkour đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Sau 8 năm, Parkour ở Hà Nội đã thu hút hàng trăm người chơi. Câu lạc bộ nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất là Joker với khoảng 50 thành viên.

Phạm Việt Trung, sinh viên năm tư Đại học mở, du học sinh từ Ba Lan, một trong những thủ lĩnh của Joker, người có vai trò quan trọng trong việc đặt những nền móng đầu tiên cho Parkour Việt Nam, chia sẻ: “Người Việt Nam nói riêng hay người châu Á nói chung có nhiều tố chất cho môn thể thao này. Parkour Việt Nam hiện cũng đã có những dấu ấn đầu tiên với các nước trong khu vực. Những quốc gia Parkour hàng đầu thế giới như Pháp, Anh cũng đã biết tới Parkour Việt Nam.”

Những hoạt động giao lưu, thi đấu giao hữu Parkour đầu tiên cũng đã được tổ chức. Nhưng do hạn chế về số lượng ngươi chơi, các cuộc thi vẫn khá lẻ tẻ, chưa có kế hoạch thường niên, chưa được đầu tư mạnh mẽ và không thu hút được sự chú ý. Đó cũng là trăn trở của Việt Trung và các bạn bè: “Mình kỳ vọng Parkour được nhiều người biết tới, được nhiều người quan tâm hơn vì nó sẽ giúp cho chúng mình có được sân chơi bổ ích và lành mạnh.”

Parkour rèn luyện cho người chơi khả năng đói mặt với sợ hãi và chinh phục các giới hạn bản thân. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

3. Trên thực tế, Parkour cũng có những điều kiện khá tốt để phát triển ở Việt Nam. Đây là môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo, không yêu cầu cao về tầm vóc thể chất hay trang thiết bị tập luyện. Parkour không kén người chơi. Dù già hay trẻ, bạn đều có thể chơi Parkour miễn là có một đôi giày và một bộ trang phục thoải mái. Với Parkour, không ai có thể áp đặt phong cách cá nhân lên bạn.

Lý do khiến Parkour chưa thể phát triển nằm ở ba yếu tố. Thứ nhất, Parkour chưa có một nền tảng lý thuyết thật sự vững mạnh. Người chơi ở Việt Nam hầu hết chỉ học qua mạng, qua tivi. Họ không có giáo trình, không có thầy dạy, học theo kiểu truyền miệng, không đúng bài bản, dễ dẫn tới sai lý thuyết và làm mất hiệu quả tập luyện.

Thứ hai, giống như hầu hết các môn thể thao khác ở Việt Nam, Parkour không có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện đặc thù. Thứ ba, do còn khá xa lạ với đại bộ phận dư luận, Parkour chưa nhận được sự ủng hộ từ các bậc phụ huynh và xã hội.

Nỗ lực của Việt Trung và Joker trong nhiều năm qua vẫn chỉ mang ý nghĩa đơn lẻ. Parkour Việt Nam cần chờ những sự đổi thay, một cơ hội để tiến lên trong tương lai.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục