Với những cú nhảy ngoạn mục từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, Parkour đang trở thành môn thể thao mạo hiểm đường phố thu hút sự đam mê của giới trẻ Việt Nam.
Parkour du nhập vào Việt Nam vào năm 2007, qua các clip trên youtube. Đến nay, nó nhanh chóng trở thành một trào lưu ưa thích trong giới trẻ thành phố. Vì thế, nếu có dịp đi ngang qua một số công viên, sân trượt hay tòa nhà chung cư cao tầng ở Hà Nội vào mỗi buổi chiều, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ chơi Parkour đang nhảy những cú nhảy ngoạn mục từ tòa nhà này qua tòa nhà khác, hay thoăn thoắt leo bám lên những bức tường với sự chuyển động nhịp nhàng, điệu nghệ giống như điệu nhảy.
Khác với một số môn thể thao khác, Parkour không đòi hỏi những chi phí tốn kém về dụng cụ tập luyện mà chỉ cần một đôi giày thể thao nhẹ, bền, có độ bám tốt là đủ. Và Parkour có thể chơi ở bất cứ đâu, đặc biệt là ở các khu vực chung cư cao tầng bỏ hoang, một địa điểm lý tưởng được dân chơi Parkour chọn để tập luyện. Parkour ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ bởi nó có sự pha trộn của nhiều môn thể thao khác nhau như võ thuật, khiêu vũ, hip hop, breakdance, thể dục dụng cụ…
Bạn Nguyễn Khánh Duy, thành viên nhóm Joker Parkour Hà Nội cho biết, Parkour được xem là môn nghệ thuật của sự di chuyển. Với nhiều địa hình và nhiều chướng ngại vật, người ta có rất nhiều cách để vượt qua như chạy, nhảy, thậm chí bò, nhưng chỉ được gọi là Parkour khi chuyển động đó đưa đến vị trí một cách nhanh nhất và an toàn nhất.
Không có bất kỳ một điều luật chung nào cho người chơi Parkour nhưng thông thường người chơi phải thành thạo đủ 4 kỹ năng cơ bản. Đó là "Rolling": cuộn tròn cơ thể nhằm tránh va đập, giảm áp lực cơ thể; "Dismount": Bám vào vật như song sắt, tường, quay 180 độ và tiếp đất; "Reverse vault": Nhảy vượt chướng ngại vật; "Landing": Tiếp đất bằng một ngón chân, gập người để giảm áp lực… Ngoài ra, sau khi đã nắm chắc các kỹ năng cơ bản và có kinh nghiệm trong quá trình tập luyện, người chơi có thể sáng tạo ra những kỹ thuật động tác khác cho riêng mình.
Chơi Parkour đòi hỏi phải có thể lực dẻo dai, đầu óc linh hoạt, có trí tưởng tượng bay xa để có thể kết hợp được nhiều động tác một cách nhuần nhuyễn nhằm vượt qua chướng vật cản một cách tối ưu. Hơn nữa, người chơi Parkour phải là người ưa sự mạo hiểm để có thể kiên trì rèn luyện, bởi trong quá trình thực hiện các động tác rất dễ xảy ra các chấn thương khiến người chơi bỏ cuộc giữa chừng.
Bạn Nguyễn Thanh Tuấn, thành viên nhóm Joker chia sẻ: “Đôi khi mình rất nôn nóng với những kỹ thuật mới và phải tập bằng được, nhưng nghĩ đến chấn thương nên mình lại kiên nhẫn hơn. Chơi Parkour giúp mình rèn luyện sự cẩn thận và tính kiên trì trong mọi việc rất nhiều”.
Đến nay, ở Việt Nam, Parkour đã lan rộng ra các tỉnh thành và phát triển với số lượng lên đến 12 nhóm chơi. Đặc biệt, trong khuôn khổ Giải thể thao Giải trí Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh mở rộng 2013, Parkour là 1 trong 4 môn thi chính thức cùng với hip hop, roller sports, beatbox./.