Ngày 18/3, cảnh sát thủ đô Paris của Pháp đã phải hạ mức giới hạn tốc độ cho phép đối với các phương tiện giao thông cũng như tạm thời cấm đốt lá cây như một biện pháp khẩn cấp đối phó với tình trạng không khí ô nhiễm.
Theo thông báo từ Sở cảnh sát, tốc độ tối đa cho phép trên các tuyến đường của Paris chỉ còn 20 km/giờ.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Cơ quan giám sát quốc gia về tình trạng không khí AirParif thông báo mức độ ô nhiễm tại Paris đã lên đến mức "cao" theo thang bậc của châu Âu.
Theo số liệu đo được của cơ quan chức năng, lượng hạt bụi có đường kính dưới 10 micron, hay còn gọi là các PM10, cao trong không khí đã khiến không khí đặc lại, đến mức không còn nhìn rõ cả tháp Eiffel nổi tiếng.
Đặc biệt nguy hiểm trong số này là các hạt bụi siêu nhỏ (dưới 2,5 micron), chúng có thể dễ dàng lọt vào phổi và hệ tuần hoàn của người đi đường, trở thành tác nhân gây bệnh ung thư.
Lượng bụi nguy hiểm trên bắt nguồn chủ yếu từ các phương tiện giao thông, ngành công nghiệp sưởi ấm và công nghiệp nặng.
Trong số các biện pháp khẩn cấp đối phó với tình trạng khói bụi, nhà chức trách Paris còn có thể giảm một nửa số lượng ô tô được phép vào thành phố, đồng thời miễn phí đi lại trên phương tiện giao thông công cộng cho người dân.
Đây không phải lần đầu tiên "Kinh đô Ánh sáng" phải áp dụng biện pháp khẩn cấp chống ô nhiễm không khí.
Hồi tháng 3 năm 2014, Paris cũng đã từng phải hạn chế số lượng xe ô tô vào thành phố để giảm bớt tình trạng khói bụi.
Theo báo cáo từ năm 2011 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thành phố ô nhiễm nhất hành tinh là Ahvaz của Iran với lượng PM10 có trong không khí cao hơn mức cho phép tới 4,5 lần./.