Paralympic Tokyo 2020: Bản hòa tấu của sự gắn kết

Paralympic năm nay được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và cả Tokyo, thành phố đầu tiên trên thế giới từng đăng cai 2 kỳ Paralympic.
Màn trình diễn pháo hoa tại Lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020, tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/8/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Paralympic Tokyo 2020 - kỳ Thế vận hội dành cho người khuyết tật đặc biệt nhất trong lịch sử - chính thức khép lại 13 ngày tranh tài sôi nổi với lễ bế mạc diễn ra tối 5/9 tại Sân vận động quốc gia của Nhật Bản.

Paralympic năm nay được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và cả Tokyo, thành phố đầu tiên trên thế giới từng đăng cai 2 kỳ Paralympic. Thủ đô của Nhật Bản đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp về y tế với số ca lây nhiễm tính theo ngày liên tục ở mức cao.

Với quyết tâm tổ chức thành công Paralympic Tokyo 2020 sau một năm trì hoãn, các nhà tổ chức nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm tính an toàn của sự kiện và tình trạng sức khỏe của tất cả những người liên quan. Nhiều biện pháp quyết liệt đã được triển khai như cắt giảm số lượng quan khách quốc tế và không cho phép khán giả tới địa điểm thi đấu để trực tiếp cổ vũ, ngoại trừ một số ít học sinh được tạo điều kiện đến xem theo một chương trình giáo dục đặc biệt; các vận động viên chỉ có thể gia nhập Làng Paralympic ngay trước nội dung thi đấu của họ và phải rời đi trong vòng 48 giờ sau khi kết thúc tranh tài; các đoàn thể thao được kiểm tra y tế hằng ngày và phải hạn chế di chuyển một cách tối đa; nhanh chóng cách ly các ca dương tính…

Những biện pháp trên đã đem lại hiệu quả. Theo hãng tin  Kyodo, tính đến tối 4/9, số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Paralympic Tokyo là 297 người, trong đó đa số là các tình nguyện viên và nhà thầu người Nhật Bản. Duy nhất một vận động viên mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị là tay vợt tennis trên xe lăn người Bỉ Joachim Gerard. Tuy nhiên, Gerard chỉ mắc bệnh ở thể nhẹ và sự cố này không gây ảnh hưởng tới thành tích thi đấu của anh.

Với sự tham dự của 4.403 vận động viên từ 161 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng đoàn thể thao người tị nạn, Paralympic Tokyo 2020 là kỳ thế vận hội có số vận động viên đông nhất trong lịch sử, trong đó số lượng vận động viên nữ cũng lập kỷ lục là 1.853 người – tăng 10,9% so với kỳ Paralympic trước đó tại Rio de Janeiro (Brazil). 

Đoàn thể thao người khuyết tật Trung Quốc xếp vị trí thứ nhất tại Paralympic 2020 với hơn 200 huy chương, trong đó có gần 100 huy chương Vàng. Trong top 5 còn có các đoàn thể thao Anh, Mỹ, Ủy ban Paralympic Nga và Hà Lan. Paralympic 2020 đã ghi dấu nhiều thành tích ấn tượng.

Trong số này, có thể kể tới “kình ngư” Lu Dong (Trung Quốc) phá kỷ lục thế giới với thành tích 37 giây 18 ở nội dung bơi ngửa nữ 50m hạng thương tật S5; vận động viên Andrii Trusov (Ukraine) phá kỷ lục thế giới bơi ngửa 100m nam hạng S7 với 1 phút 8 giây 14; kỷ lục thế giới 249,6 điểm của xạ thủ Avani Lekhara (19 tuổi, người Ấn Độ) ở nội dung 10m súng trường hơi nữ hạng R2 SH1; kỷ lục thế giới do vận động viên Francisca Mardones Sepulveda (Chile) thiết lập ở nội dung ném bóng nữ hạng F54 với độ xa 8,33m; hay vận động viên Dinesh Priyantha (Sri Lanka) lập kỷ lục thế giới mới môn ném lao nam hạng F46 và mang về cho nước này Huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử tham dự Paralympic...

[Paralympic Tokyo 2020: Cạnh tranh quyết liệt cho vị trí thứ 3]

Những nỗ lực bền bỉ luôn được đền đáp như việc huyền thoại đua xe đạp Sarah Storey đã trở thành vận động viên thành công nhất nước Anh với tấm Huy chương vàng 17 sau 29 năm “chào sân” Paralympic.

Đoàn Việt Nam có 7 vận động viên tham gia tranh tài tại 15 nội dung thuộc 3 môn thể thao của Paralympic Tokyo, gồm: bơi, cử tạ và điền kinh. Các vận động viên đều đã hết sức nỗ lực để có thể vượt qua thành tích của chính mình, trong đó đô cử Lê Văn Công mang về cho thể thao Việt Nam một tấm Huy chương Bạc.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020, thành tích của đoàn đã cao hơn dự kiến.

Hành trình tới Paralympic đầy cam go của 2 vận động viên khuyết tật người Afghanistan cũng là một dấu ấn. Họ đã được giải cứu sau một “chiến dịch toàn cầu” trên một chuyến bay bí mật từ Kabul – nơi vừa xảy ra biến động chính trị lớn ngày 15/8. Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) nhấn mạnh sự hiện diện của quốc kỳ Afghanistan trong lễ khai mạc Paralympic 2020 là “thông điệp về tình đoàn kết" của cộng đồng thế giới đối với người dân ở quốc gia Tây Nam Á này và của toàn thế giới với nhau.

Nếu như lễ khai mạc Paralympic 2020 có chủ đề “We Have Wings” (Chúng ta có những đôi cánh), với hàm ý con người có thể tận dụng những sức mạnh tiềm ẩn để vượt qua mọi trở ngại, thì chủ đề của lễ bế mạc được chọn là “Harmonious Cacophony” (Nhạc hòa tấu).

Giải thích về chủ đề này, Ban tổ chức cho biết: “Một thế giới lấy cảm hứng từ Paralympic sẽ tỏa ra những ánh sáng khác biệt. Trong thế giới này, những cơ thể hình hài khác nhau, những công nghệ độc đáo và các chất liệu khác nhau sẽ kết hợp lại, trở thành một tổng thể hài hòa và đầy màu sắc, trong đó mỗi màu sắc lại có sự lấp lánh của riêng mình.

Điều này nghe có vẻ giống như sự khởi đầu của một bản giao hưởng, nhưng trên thực tế đó là sự ra đời của một bản hòa tấu mới. Những khác biệt không làm nảy sinh xung đột, mà tạo ra một tương lai mới." Nói cách khác, Paralympic đã tạo ra sự gắn kết cho những người khuyết tật, không chỉ đối với nhau mà cả với xã hội.

Theo thống kê của IPC, thế giới hiện có 1,2 tỷ người khuyết tật, chiếm khoảng 15% dân số toàn cầu. Paralympic Tokyo 2020 được đánh giá không những khơi dậy tinh thần thể thao và tình đoàn kết trong cộng đồng người khuyết tật trên toàn thế giới, mà còn thắp sáng hy vọng cho nhóm đối tượng yếu thế này, thúc đẩy họ vượt qua mọi khó khăn để đạt tới những đỉnh cao mới như ý tưởng xuyên suốt của thế vận hội năm nay là “United by Emotion” (Gắn kết bằng cảm xúc) và “Moving Forward” (Tiến lên phía trước).

Paralympic là sân chơi để các vận động viên khuyết tật thể hiện tài năng thể thao, chia sẻ những bí quyết vượt khó để không trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội. Họ đã có một hành trình gian nan tự vượt qua rào cản về sức khỏe, mặc cảm về tâm lý, khó khăn về kinh tế để tự làm chủ cuộc sống của chính mình. Bản thân sự có mặt của họ tại cũng đấu trường thể thao đỉnh cao này đã là một điều kỳ diệu. Nhiều người trong số họ còn làm nên những kỷ lục mới của thế giới.

Paralympic Tokyo 2020 cũng là dịp IPC công bố chiến dịch ủng hộ các quyền của người khuyết tật mang tên “WeThe15”, đặt mục tiêu trở thành "phong trào quyền con người lớn nhất từ trước đến nay". Ngày 19/8, hơn 125 địa danh trên khắp thế giới, từ tòa Empire State ở New York (Mỹ) đến đấu trường La Mã ở Rome (Italy) đã khoác lên mình màu áo tím – sắc màu chủ đạo của chiến dịch “WeThe15.”

Các tập đoàn truyền thông xã hội, các tổ chức về quyền con người và nhiều nhân vật nổi tiếng như cựu danh thủ bóng đá David Beckham hay “Nữ hoàng” talkshow Oprah Winfrey cũng tham gia chiến dịch dự kiến kéo dài 1 thập niên này.

Trong khi đó, hãng sản xuất đồ chơi Mỹ Mattel đã cho ra đời mẫu búp bê Barbie ngồi xe lăn, lấy cảm hứng từ vận động viên Francisca Mardones của Chile tại Paralympic Tokyo 2020. Biểu tượng búp bê mới này là một phần của dòng sản phẩm "Nữ anh hùng" của Mattel, nhằm ghi nhận đóng góp của những người phụ nữ xuất sắc, đồng thời có hàm ý nhắn nhủ các em nhỏ rằng đừng để khuyết tật trở thành rào cản ngăn các em chinh phục các mục tiêu trong cuộc sống.

Mỗi năm chiến dịch “WeThe15” sẽ tập trung vào một khía cạnh khác nhau liên quan tình trạng phân biệt đối xử đối với người khuyết tật, như trong việc làm và giáo dục. Chủ tịch IPC Andrew Parsons bày tỏ tin tưởng rằng chiến dịch sẽ thực sự trở thành yếu tố giúp xã hội thay đổi quan điểm về những “vầng trăng khuyết”, mà trong đó Paralympic Tokyo 2020 là một nhịp cầu quan trọng.

Bà Eva Loeffler (88 tuổi) - con gái của nhà giải phẫu thần kinh người Anh gốc Đức Ludwig Guttmann, "cha đẻ" của Paralympic - bày tỏ hy vọng rằng sự kiện thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật sẽ mãi là “nguồn cảm hứng và hy vọng” về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, ông Hidefumi Takahashi - Phó Chủ tịch Ủy ban Paralympic Nhật Bản đánh giá: “Paralympic là cơ hội để suy nghĩ về xã hội mà chúng ta mong muốn; một xã hội mà chúng ta đều khác biệt, đều tuyệt vời và được đối xử công bằng như nhau." Đó cũng là thông điệp của “bản hòa tấu về sự gắn kết” vang lên tại Paralympic 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục