Tại cuộc đàm phán trực tiếp với Israel ngày 13/4 ở Jerusalem, các nhà đàm phán Palestine đã từ chối kéo dài các cuộc hòa đàm hiện nay sau hạn chót là ngày 29/4 tới nếu Israel không thực hiện kế hoạch trả tự do cho các tù nhân Palestine cuối cùng và ngừng hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng của Palestine.
Trong khi đó, các nhà đàm phán Israel đề nghị Palestine từ bỏ ý định gia nhập 15 hiệp ước, công ước quốc tế và Liên hợp quốc với tư cách nhà nước Palestine, song Palestine dứt khoát từ chối.
Cuộc gặp đã kết thúc mà không đạt tiến bộ nào về việc kéo dài các cuộc hòa đàm do Mỹ làm trung gian hiện nay. Tuy nhiên, một nguồn tin Palestine cho biết các bên đã nhất trí tiếp tục gặp nhau vào ngày 15/4 hoặc 16/4.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người bảo trợ cho các cuộc hòa đàm trực tiếp giữa Israel và Palestine, đã đề xuất kéo dài hòa đàm đến cuối năm 2014 sau khi không thể thuyết phục hai bên vượt qua bất đồng trước thời hạn chót đặt ra là cuối tháng Tư này. Các cuộc đàm phán càng lâm vào bế tắc khi hai bên áp dụng các biện pháp trả đũa lẫn nhau.
Nhà đàm phán và chính trị gia kỳ cựu của Palestine Mohamed Ishtaya nhấn mạnh rằng không có lý do gì để Palestine kéo dài cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp hiện nay với Israel sau chín tháng đàm phán không đạt tiến triển.
Trả lời phỏng vấn báo giới tại Ramallah, ông Ishtaya khẳng định: "Nếu đàm phán chỉ để đàm phán thì không cần kéo dài thêm nữa."
Theo ông Ishtaya, kể từ khi đàm phán trực tiếp được nối lại hồi tháng 7/2014 đến nay, khoảng cách giữa hai bên ngày càng bị nới rộng, nhất là trong các vấn đề về quy chế vĩnh viễn.
Ông cáo buộc chính quyền Israel gây ra nhiều vấn đề gai góc mới, như đề nghị công nhận Israel là nhà nước Do Thái - động thái mà ông cho là chỉ nhằm ngăn cản sự thành công của tiến trình hòa bình.
Trong một diễn biến mới nhất cùng ngày 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon đã phê chuẩn kế hoạch cho người Do Thái trở lại một khu nhà định cư đang gây tranh cãi ở Hebron (thuộc Bờ Tây), vốn nằm giữa thành phố của Palestine đang bị Israel chiếm đóng.
Quyết định này được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao Israel ra phán quyết hồi tháng trước rằng người định cư là chủ sở hữu hợp pháp của tòa nhà này, chấm dứt tranh cãi pháp lý kéo dài gần bảy năm.
Theo Đài phát thanh Israel, ngay từ chiều 13/4 đã có ba hộ gia đình Do Thái chuyển về đây ở.
Nhà đàm phán Palestine Mohammed Shtayyeh đã lên án động thái trên, cáo buộc Israel không quan tâm đến tiến trình hòa bình.
Theo ông, việc này chỉ càng gây thêm khó khăn cho những người Palestine đang sống tại Hebron vốn "hàng ngày phải chịu đựng các hành động khủng bố của người định cư Do Thái."
Tại Hebron hiện có gần 200.000 người Palestine sinh sống bên cạnh khoảng 700 người Do Thái sống trong khoảng 80 ngôi nhà định cư dưới sự bảo vệ của quân đội Israel./.