Palestine trình LHQ dự thảo nghị quyết chấm dứt chiếm đóng của Israel

Ngày 17/12, Palestine đã trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề xuất giải pháp hòa bình lâu dài, toàn diện và công bằng.
Palestine trình LHQ dự thảo nghị quyết chấm dứt chiếm đóng của Israel ảnh 1Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chủ trì cuộc họp ban lãnh đạo chính quyền tại thành phố Ramallah, Khu Bờ Tây ngày 14/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 17/12, Palestine đã trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề xuất giải pháp hòa bình lâu dài, toàn diện và công bằng nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine, mở đường cho việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập.

Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cho biết bản dự thảo trên được Jordan, đại diện cho nhóm nước Arập tại Hội đồng Bảo an, trình lên cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc nhân danh Palestine.

Văn kiện, được soạn thảo sau khi Palestine thảo luận với Pháp, đề ra một loạt giới hạn, trong đó có việc quân đội Israel rút khỏi Palestine không muộn hơn cuối năm 2017.

Trước đó, Palestine muốn ấn định thời hạn chót cho việc rút quân của Israel vào tháng 11/2016, nhưng Pháp đề xuất kéo dài thời gian này thêm một năm để có được một nghị quyết mềm mỏng hơn.

Ngoài ra, văn kiện cũng quy định thời hạn đàm phán 2 năm cho tiến trình đàm phán Israel-Palestine nhằm đi tới một thỏa thuận cuối cùng, mở đường cho việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem.

Trong một động thái thể hiện thái độ mềm dẻo hơn so với trước, ông Mansour tuyên bố Palestine vẫn để ngỏ khả năng đàm phán thêm về nội dung dự thảo, đồng thời khẳng định sẽ không thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu sớm nhằm tạo điều kiện cho các bên thảo luận thêm.

Trước đó, Palestine tuyên bố muốn có một cuộc bỏ phiếu sớm nhưng đã từ bỏ ý định này do chịu sức ép từ các nước Arập muốn có một dự thảo có thể chấp nhận được đối với Mỹ, nước từng nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ đồng minh Israel.

Trong khi Palestine nỗ lực thúc đẩy Hội đồng Bảo an hành động thì cả Mỹ và Israel cho đến nay vẫn phản đối các đề xuất liên quan đến việc ấn định khung thời gian cho tiến trình hòa đàm Trung Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki từ chối bình luận về khả năng Washington sử dụng quyền phủ quyết đối với dự thảo mới, mà chỉ nói rằng Mỹ sẽ hành động tùy thuộc vào nội dung cụ thể.

Theo giới phân tích, nếu Mỹ bác bỏ nghị quyết này thì sẽ khiến các đồng minh Arab của Mỹ tức giận, trong đó có cả những đối tác đang tham gia chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.

Liên quan đến việc một tòa án Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/2 ra lệnh đưa phong trào Hồi giáo Hamas ra khỏi danh sách khủng bố, Mỹ và Canada đã kêu gọi EU tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt đối với phong trào này, đồng thời khẳng định sẽ không thay đổi lập trường đối với Hamas.

Từ Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu bày tỏ giận dữ và tuyên bố sẽ tiếp tục tự bảo vệ đất nước trước các lực lượng khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục