Ngày 5/11, Palestine đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Israel có biện pháp chấm dứt tình trạng bạo lực tại thánh đường Al-Aqsa ở Đông Jerusalem, đồng thời cảnh báo tình trạng xung đột tôn giáo tại đây.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với Đại sứ Australia Gary Quinnlan, Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này, Đại diện thường trực Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cho biết rằng Hội đồng Bảo an phải đưa ra lập trường rõ ràng, yêu cầu Chính phủ Israel chấm dứt "mọi hoạt động và chính sách khiêu khích, gây kích động" nhằm vào người Palestine.
Theo quan chức của Palestine, những cuộc xung đột bạo lực gần đây tại thánh đường Al-Aqsa là do các phần tử "cực đoan," được sự hậu thuẫn của Chính phủ Israel, kích động. Các đối tượng này đang tìm cách đẩy khu vực vào một cuộc xung đột tôn giáo.
Trong khi đó, Đại sứ Quinnlan cho biết hiện Hội đồng Bảo an chưa có kế hoạch tổ chức một phiên họp bất thường theo lời kêu gọi của Palestine, nhưng hội đồng sẽ thảo luận về tình trạng bạo lực gia tăng tại Đông Jerusalem.
Yêu cầu trên được phía Palestine đưa ra sau khi bùng phát các vụ bạo lực mới trong ngày 5/11 giữa cảnh sát Israel và người Palestine.
Theo giới chức Israel, một người Palestine đã lái xe đâm vào đám đông người đi bộ ở Đông Jerusalem, khiến 1 cảnh sát Israel thiệt mạng và 9 người bị thương. Vụ tấn công xảy ra chỉ vài giờ sau vụ đụng độ giữa cảnh sát và người Palestine ở khu thánh đường Al-Aqsa.
Cảnh sát Israel miêu tả đây là một “vụ tấn công khủng bố,” đồng thời lập chướng ngại vật tại các trạm dừng xe lửa nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự. Ngay sau đó, đụng độ và bạo lực cũng bùng phát tại 2 trại tị nạn ở Đông Jerusalem là Shuafat và Issawiya.
Trước tình trạng bạo lực gia tăng tại Al-Aqsa, Jordan - nước cũng có quyền pháp lý đối với thánh địa Hồi giáo này - đã triệu hồi đại sứ nước này tại Israel nhằm phản đối các chính sách làm leo thang căng thẳng của chính quyền Tel Aviv.
Trong một diễn biến khác, ngày 5/11, Ủy ban Xây dựng và Kế hoạch thành phố Jerusalem đã thông qua kế hoạch xây dựng 278 nhà định cư ở Đông Jerusalem. Đây là lần thứ hai trong tuần này Israel phê chuẩn kế hoạch xây dựng thêm nhà định cư ở vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine từ năm 1967.
Theo kế hoạch trên, 216 nhà định cư sẽ được xây dựng ở khu vực Ramot, nằm ngoài khu vực biên giới được phân định trước năm 1967 và 62 nhà sẽ được xây ở khu vực Har Homa.
Ngày 3/11, Chính phủ Israel đã phê chuẩn dự án xây dựng 500 nhà định cư mới tại khu vực Ramat Shlomo, phía Đông Bắc Jerusalem.
Hồi tháng trước, Ủy ban Xây dựng và Kế hoạch thành phố Jerusalem cũng phê chuẩn việc xây dựng một khu định cư mới quy mô lớn, bao gồm hơn 2.600 nhà định cư, ở khu vực Givat Hamatos thuộc Đông Jerusalem.
Trước các kế hoạch xây nhà định cư mới của Nhà nước Do Thái, người phát ngôn Phủ Tổng thống Palestine Nabil Abu Rdineh cho rằng hành động của chính quyền Tel Aviv là nhằm trả đũa việc cộng đồng quốc tế, mà điển hình là Thụy Điển mới đây đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine và quyền tự chủ của nhân dân Palestine./.