Ngày 22/6, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tái khẳng định quan điểm phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, nhấn mạnh rằng một giải pháp chính trị phải là bước đi đầu tiên.
Phát biểu trước Ủy ban trung ương của phong trào Fatah tại thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây, Tổng thống Abbas tuyên bố Palestine sẽ không tham dự hội nghị kinh tế mà Mỹ tổ chức trong tuần tới ở Bahrain.
Ông nêu rõ: "Lý do là không nên thảo luận tình hình kinh tế trước tình hình chính trị. Chừng nào chưa có giải pháp chính trị, chúng ta sẽ không thể giải quyết bất cứ vấn đề kinh tế nào."
Trước đó cùng ngày, Ủy viên Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine đồng thời là cố vấn của Tổng thống Palestine, Hanan Ashrawi, đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Mỹ, nhấn mạnh việc mà Washington cần làm trước tiên là chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine.
Trên trang mạng Twitter, bà Ashrawi nêu rõ: "Đầu tiên là bãi bỏ sự vây hãm Gaza, chấm dứt việc Israel đánh cắp đất đai, tài nguyên và các nguồn tài chính của chúng tôi, mang lại cho chúng tôi sự tự do trong hoạt động di chuyển và kiểm soát biên giới, không phận, vùng biển... của chúng tôi. Sau đó chứng kiến chúng tôi xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng với tư cách là một dân tộc tự do và có chủ quyền."
Chung quan điểm trên, Jordan khẳng định không giải pháp nào có thể thay thế giải pháp hai nhà nước, qua đó đảm bảo quyền của một nhà nước Palestine và quyền tự do của người dân.
[AL: Sẽ không có hòa bình Trung Đông nếu không lập nhà nước Palestine]
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan nhấn mạnh nước này chỉ ủng hộ giải pháp hai nhà nước dẫn đến việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem. Theo quan chức trên, mọi sự hỗ trợ về kinh tế đều không thể thay thế được sự dàn xếp chính trị dựa trên giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, Jordan xác nhận sẽ tham dự hội nghị Bahrain để lắng nghe tất cả các vấn đề được đưa ra thảo luận.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu tiên tiết lộ những chi tiết trong bản kế hoạch hòa bình Trung Đông. Theo đó, khía cạnh kinh tế của kế hoạch hòa bình, sẽ được đưa ra thảo luận sâu hơn tại Bahrain vào tuần tới, nhằm huy động hơn 50 tỷ USD và tạo ra 1 triệu việc làm cho người Palestine trong thập kỷ tới.
Washington khẳng định sáng kiến sẽ tập trung cải cách nền kinh tế Palestine và kết nối nền kinh tế này với các nền kinh tế của những nước láng giềng, và tìm cách huy động những hoạt động đầu tư quốc tế lớn.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump, còn được biết đến là "Thỏa thuận thế kỷ," được Mỹ xây dựng trong hơn hai năm qua. Kế hoạch gồm hai phần là kinh tế và chính trị.
Ngày 19/5 vừa qua, Nhà Trắng đã khởi động phần đầu tiên của kế hoạch này, bao gồm khuyến khích đầu tư vào Bờ Tây, Dải Gaza. Theo đó, Mỹ sẽ phối hợp với Bahrain tổ chức một hội nghị kinh tế mang tên “Từ Hòa bình tới Thịnh vượng” tại thủ đô Manama trong hai ngày 25-26/6. Hội nghị này được cho là sẽ đặc biệt tập trung vào việc xây dựng một tương lai thịnh vượng cho người dân Palestine.
Tuy nhiên, Palestine đã phản đối kế hoạch trên, cho rằng lập trường của Washington thiên vị Israel, đồng thời kêu gọi các nước tẩy chay hội nghị./.