Ngày 4/3, Ủy viên ban chấp hành trung ương Phong trào Fatah của Palestine, ông Nabil Shaath, cho rằng phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại hội nghị nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel (AIPAC) ở Washington là "một tuyên bố chính thức về việc đơn phương chấm dứt các cuộc đàm phán."
Trong bài phát biểu tại AIPAC cùng ngày 4/3, Thủ tướng Netanyahu kêu gọi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas công nhận Israel là nhà nước Do Thái, cho rằng điều này sẽ thể hiện rõ phía Palestine "thực sự sẵn sàng chấm dứt xung đột." Ông Netanyahu cũng bác bỏ các yêu cầu của Palestine về vấn đề người tỵ nạn.
Ông Nabil Shaath cho rằng những bình luận của ông Netanyahu "đi ngược lại tất cả các nguyên tắc đàm phán hòa bình đã được thỏa thuận với Mỹ."
Quan chức hàng đầu Palestine này nhấn mạnh việc Thủ tướng Netanyahu tuyên bố không muốn một giải pháp cho vấn đề người tỵ nạn Palestine và nhất quyết đòi công nhận Israel là một nhà nước Do Thái là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được."
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh tuyên bố rằng đòi hỏi của ông Netanyahu không phải là vấn đề mới mà chỉ nhằm mục đích tránh một thỏa thuận hòa bình với Palestine.
Ông Rudeineh nhấn mạnh quan điểm của Palestine rất rõ ràng và dựa trên việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô ở Jerusalem.
Tại Israel, thủ lĩnh Công đảng đối lập, ông Isaac Herzog, cũng tỏ thái độ hoài nghi về mong muốn thực sự cũng như khả năng của Thủ tướng Netanyahu đạt được một giải pháp ngoại giao. Ông Herzog cảnh báo rằng phong trào tẩy chay Israel đang trở thành mối đe dọa chiến lược đối với Israel và việc thiếu tiến bộ ngoại giao chỉ càng hỗ trợ phong trào này.
Tiến trình hòa bình Trung Đông cũng là nội dung chính trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Netanyahu với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington hôm 2/4.
Tổng thống Obama cam kết sẽ hối thúc chính quyền Palestine chấp nhận các nhượng bộ của Israel trong quá trình đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận khung cho vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Netanyahu nêu rõ rằng phía Palestine phải chuẩn bị có những nhượng bộ nếu muốn tiếp tục tiến trình đàm phán hòa bình.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ lần này, ông Netanyahu một lần nữa cảnh báo về mối đe dọa hạt nhân Iran trong bối cảnh Mỹ và các cường quốc đang thúc đẩy việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Tehran.
Ông Netanyahu cho rằng thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc với Iran sẽ cho phép Tehran duy trì một số công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân và coi đây là một "sai lầm chết người."
Phát biểu trước AIPAC, Thủ tướng Israel kêu gọi các cường quốc tăng cường các biện pháp cấm vận nhằm ngăn cản Iran trở thành một quốc gia hạt nhân, đồng thời khẳng định ông sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ an ninh cho nhà nước Do Thái./.