Cấm nhập khẩu xe ôtô hạng sang, điện thoại thông minh và pho mát là những biện pháp mà các cố vấn kinh tế Pakistan đang cân nhắc nhằm giúp nước này tránh được "kịch bản" phải cầu viện một gói cứu trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bối cảnh thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này không ngừng mở rộng.
Một cố vấn cấp cao trong Chính phủ Pakistan ngày 10/9 cho biết tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng cố vấn kinh tế (EAC) của Pakistan - cơ quan mới được thành lập để tìm kiếm giải pháp giúp Pakistan tránh được việc phải cầu cứu gói cứu trợ tài chính của IMF, do Thủ tướng Imran Khan chủ trì với sự tham gia của Bộ trưởng tài chính Assad Umar, không một quyết định nào liên quan đến vấn đề nêu trên được đưa ra.
Tuy nhiên, Thủ tướng Khan cho biết cuộc họp trên đã thảo luận về các biện pháp như trong một năm cấm nhập khẩu các sản phẩm pho mát, ôtô, điện thoại di động và trái cây.
Theo nhận định của ông Khan, hoạt động này có thể giúp Pakistan tiết kiệm khoảng 4-5 tỷ USD. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng có thể giúp Pakistan bổ sung 2 tỷ USD vào nguồn thu ngoại tệ.
[Thủ tướng Pakistan kêu gọi dân ủng hộ chính phủ giải quyết khó khăn]
Pakistan đang trong trình trạng xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng cao - nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu hụt dự trữ ngoại tệ. Điều này càng gia tăng sức ép đối với đồng nội tệ Pakistan cũng như dự trữ ngoại hối. Chính điều này đã khiến hầu hết các nhà phân tích tài chính cho rằng Pakistan sẽ trở thành quốc gia thứ 15 cầu cứu gói viện trợ của IMF kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Khan lo ngại những điều kiện IMF có thể yêu cầu đối với Pakistan để đổi lấy gói viện trợ sẽ siết chặt hoạt động chi tiêu của chính phủ của nước này.
Thống kê cho thấy trong tài khóa 2017-2018, Pakistan đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,8%, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua nhờ lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 18 tỷ USD và tiếp tục tăng trong tháng Bảy vừa qua đã đặt ra thách thức đối với Pakistan.
Theo một số nhà phân tích, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này sẽ chạm mức 24 tỷ USD trong tài khóa tới (2018-2019). Để nới lỏng sức ép đối với tài khoản vãng lai, ngân hàng trung ương Pakistan đã có bốn lần điều chỉnh giá trị đồng rupee theo hướng giảm kể từ tháng 12/2017 và có ba lần tăng lãi suất trong năm 2018./.