Pakistan lo ngại nguy cơ Afghanistan rơi vào hỗn loạn và bạo lực

Giới chức Pakistan cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới với Afghanistan do lo ngại nước láng giềng rơi vào hỗn loạn và bạo lực nếu lực lượng Taliban chiếm quyền kiểm soát quốc gia này.
Pakistan lo ngại nguy cơ Afghanistan rơi vào hỗn loạn và bạo lực ảnh 1Trẻ em tại trại tị nạn ở Kabul, Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giới chức Pakistan lo ngại nguy cơ Afghanistan sẽ rơi vào hỗn loạn và bạo lực sau khi Mỹ rút quân, đồng thời cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới nếu lực lượng Taliban chiếm quyền kiểm soát quốc gia láng giềng này.

Phát biểu họp báo hằng tuần ngày 27/6 tại thành phố miền Trung Multan, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho biết trong nhiều năm qua, Pakistan đã tiếp nhận 3,5 triệu người tị nạn Afghanistan và nước này sẽ không tiếp nhận thêm.

Ông Qureshi nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không tiếp nhận thêm người tị nạn. Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới và phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình."

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pakistan cho biết nước này sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao thúc đẩy nền hòa bình tại Afghanistan và sẽ hoan nghênh ban lãnh đạo được bầu chọn một cách dân chủ tại nước láng giềng này. Ông khẳng định hòa bình tại Afghanistan cũng đồng thời là lợi ích của Pakistan.

Theo thống kê, kể từ năm 1989, hơn 5 triệu người dân Afghanistan đã chạy sang Pakistan, trốn chạy các cuộc xung đột giữa các nhóm Hồi giáo thánh chiến trong nước. Ước tính hiện vẫn còn khoảng 1,5 triệu người đang sống tị nạn tại Pakistan

Bạo lực đã gia tăng tại Afghanistan trong bối cảnh quân đội Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy mạnh kế hoạch rút quân khỏi nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh hoàn thành việc rút quân trước ngày 11/9, ghi dấu đúng tròn 20 năm ngày xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ.

Trong gần 20 năm xung đột vừa qua tại Afghanistan, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái nhưng đến nay vẫn đình trệ, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục