Ngày 9/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cảnh báo các nhà lãnh đạo Pakistan về nguy cơ mất sự ủng hộ chính trị của Washington nếu quốc gia Tây Nam Á này không ngăn chặn các cuộc biểu tình cản trở các chuyến hàng vận chuyển hậu cần cho quân đội Mỹ và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tham chiến tại Afghanistan.
Các quan chức Lầu Năm Góc tháp tùng chuyến thăm của ông Hagel tới Pakistan cho biết trong cuộc gặp với Thủ tướng Nawaz Sharif và Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan, Tướng Raheel Sharif, Bộ trưởng Hagel nhấn mạnh nếu không chấm dứt được các cuộc biểu tình này, Islamabad sẽ khó duy trì được sự giúp đỡ chính trị của Washington kèm theo các chương trình viện trợ hàng tỷ USD.
Đáp lại, các nhà lãnh đạo Pakistan đã cam kết "sẽ sớm có hành động cần thiết" nhằm đảm bảo lưu thông các chuyến hàng vận chuyển hậu cần của Mỹ và NATO qua tuyến biên giới kéo dài gần 1.000km giữa Pakistan và Afghanistan.
Tuần trước, các cuộc biểu tình của người dân Pakistan tại một cửa khẩu biên giới đã buộc Mỹ phải ngừng các chuyến hàng qua cửa khẩu Torkham vì lý do an ninh.
Cuộc biểu tình này nhằm phản đối chương trình sử dụng máy bay do thám không người lái của Mỹ tấn công các mục tiêu tình nghi khủng bố trên lãnh thổ Pakistan, nhưng gây nhiều thương vong cho dân thường.
Hồi đầu tháng 11 vừa qua, máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện vụ không kích tiêu diệt Hakimullah Mehsud, một thủ lĩnh cấp cao của Taliban tại Pakistan, khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng hơn.
Chính quyền Islamabad cho rằng vụ tấn công tiêu diệt Hakimullah Mehsud có nguy cơ hủy hoại các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa chính quyền Pakistan với Taliban.
Chuyến thăm Pakistan của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel được chờ đợi sẽ cải thiện được một trong các mối quan hệ phức tạp nhất của Washington tại khu vực, nơi mà hai nước đồng thuận với nhau về các nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố song vẫn còn rất nhiều khác biệt về phương cách đối phó với các nguy cơ này.
Trong một tuyên bố trước chuyến thăm, Lầu Năm Góc khẳng định mặc dù quan hệ hai nước trong thời gian gần đây đang phải đối mặt với một số bất đồng, song Mỹ và Pakistan lại có sự tương đồng lớn về lợi ích an ninh tại khu vực./.