'Pacific Rim: Uprising' - Nhiều đại cảnh ấn tượng nhưng thiếu 'chất'

"Pacific Rim: Uprising" có những màn đối đáp mỉa mang đem lại tiếng cười, có những đại cảnh hoành tráng với góc quay giúp khán giả thấy được mức độ khốc liệt của chiến trường.
Hai trong số những Jaeger trong phim.

Năm 2013, bộ phim "Pacific Rim" xuất hiện như một làn gió mát với những người yêu thích phim về những "robot đại chiến."

Khác với series bom tấn cháy nổ "Transformers," "Pacific Rim" của đạo diễn Guillermo del Toro gây ấn tượng mạnh bởi độ "chất" trong các màn giao đấu giữa dàn siêu robot do con người điều khiển (Jaeger) chống lại siêu quái vật ngoài hành tinh (Kaiju).

Năm năm sau, đạo diễn Del Toro đã không còn trên ghế đạo diễn phần hai "Pacific Rim: Uprising" (tựa Việt là Pacific Rim: Trỗi dậy) do bận thực hiện "The Shape of Water." Thay thế ông ở vị trí đạo diễn là nhà làm phim Steven S. DeKnight với lần đầu làm phim điện ảnh. Hệ quả được thấy rõ ở "Pacific Rim: Uprising" khi bộ phim vẫn hoành tráng, vẫn đẹp mắt nhưng về tổng thể không để lại ấn tượng mạnh mẽ như phần đầu.

Câu chuyện của "Uprising" đặt bối cảnh một thập niên sau phần đầu tiên, khi loài người đã thành công trong việc bít lại khe nứt ở Thái Bình Dương mà các Kaiju sử dụng để thâm nhập thế giới. Dẫu hiểm họa Kaiju đã tạm bị đẩy lui, loài người vẫn tiếp tục phát triển công nghệ Jaeger với trụ sở tại Trung Quốc, đồng thời không ngừng đào tạo những thế hệ người điều khiển Jaeger mới.

[Siêu đại chiến: Vẫn bùng nổ dù không có ngôi sao]

Con trai của tổng tư lệnh Stacker là Jake Pentecost (John Boyega thủ vai) được giao nhiệm vụ hướng dẫn những người điều khiển tiềm năng mới như cô bé Amara (Caille Spaeny). Sự cẩn thận này là không thừa, bởi sự yên bình bấy lâu nay đột nhiên bị phá vỡ khi một Jaeger bất ngờ nổi loạn và biến Sydney thành một bãi chiến trường. Lần theo dấu vết từ Jaeger nổi loạn kia để lại, Jake và những đồng đội nhận ra một sự thật kinh hoàng: Kaiju vẫn chưa biến mất hoàn toàn khỏi thế giới và đang tìm cách để trở lại để hoàn thành kế hoạch chúng chưa thể hoàn tất 10 năm trước...

Scott Eastwood trong vai Lambert

"Uprising" có nhiều thay đổi về dàn diễn viên, khi chỉ giữ lại những nhân vật như các nhà khoa học Gottlieb (Burn Gorman), Geiszler (Charlie Day) và nữ chiến binh Mori (Rinko Kikuchi). Các ngôi sao nam như Charlie Hunnam (vai Raleigh) hay Idris Elba (vai tổng tư lệnh Stacker) không còn xuất hiện trong phần này. Thay vào đó, các diễn viên trẻ đang lên như John Boyega hay Scott Eastwood (vai Nate - người điều khiển Jaeger) được chọn vào vai chính.

Điểm khác biệt rõ rệt còn tới khi bộ phim đề cao nhân tố Trung Quốc một cách rõ rệt. Từ tổng hành dinh điều khiển Jaeger cho tới tư lệnh chỉ huy đều xuất xứ từ Trung Quốc. Môt nhân vật có tiếng nói quan trọng trong phim là Liwen Shao tới từ tập đoàn Shao cũng do người đẹp Cảnh Điềm thủ vai.

Có hai nguyên nhân dẫn tới "sự trỗi dậy" của yếu tố này trong phim. Đầu tiên là việc vào năm 2013, 114 triệu USD trong tổng số 411 triệu USD doanh thu của "Pacific Rim" tới từ thị trường đông dân nhất thế giới, giúp bộ phim không trở thành thảm họa phòng vé do khởi đầu kém ấn tượng tại Mỹ. Hai là việc hãng sản xuất Legendary giờ đây đã về tay chủ người Trung Quốc.

Nhưng những sự thay đổi mới này không làm chất lượng bộ phim đi lên, mà thậm chí còn thua sút nhiều so với chính tập phim đầu tiên. Ở phần đầu, đạo diễn Del Toro đã làm tốt trong việc kết nối khán giả đối với các nhân vật trong phim, như cách các người điều khiển kết nối tâm trí với Jaeger. Khi Del Toro rời khỏi dự án "Uprising" để làm bộ phim "The Shape of Water" vừa mang lại vinh quang tại giải Oscar, "di sản" này đã không được thừa kế một cách xứng đáng.

Nếu khán giả muốn tìm tới một bộ phim với các màn chiến đấu long trời lở đất, mang tính giải trí thư giãn thì "Pacific Rim: Uprising" vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu trên. Bộ phim có những màn đối đáp mỉa mang đem lại tiếng cười, có những đại cảnh hoành tráng với góc quay giúp khán giả thấy được mức độ khốc liệt của chiến trường. Khán giả không nhất thiết phải xem qua phần đầu để xem được phần thứ hai, bởi cốt truyện phim tương đối đơn giản với những nhân vật "một màu" và ít đất để phát triển. Những khán giả xem "Uprising" để được tái hiện giấc mơ điều khiển robot khổng lồ chiến đấu với quái vật từ ngày bé ít nhiều sẽ có được điều mình muốn khi tới rạp.

Quái vật Kaiju

Tuy nhiên, nếu trông đợi bộ phim được "chất" như phần đầu với chất nam nhi cuồn cuộn, các robot có "hồn" rất riêng chứ không phải những khối kim loại màu mè, các trận đại chiến thực sự "ép-phê" hay phần nhạc hành động rất "ngầu"... thì sẽ ít nhiều thất vọng. Không còn Del Toro, bộ phim cũng đánh mất đi bản sắc dẫu cho đã cố bù đắp với các góc quay đại cảnh hoành tráng.

Cả dàn Jaeger mới lẫn các Kaiju đều chỉ đem lại cảm giác nguy hiểm qua ... lời giới thiệu của nhân vật và không để lại ấn tượng khó quai như phần đầu tiên. Ngay cả sự xuất hiện của diễn viên Cảnh Điềm cũng mang tới cảm giác gượng ép và khiến khán giả tin rằng cô có được vai nhờ những mối quan hệ chứ không phải nhờ tài năng. Trong "Uprising", người đẹp này có nhiều đất diễn hơn các phim khác cô từng đóng nhưng lại có diễn xuất kiểu cố gồng mình, thiếu thuyết phục.

Về tổng thế, "Pacific Rim: Uprising" là một lựa chọn ổn để giải trí tại rạp nếu khán giả tới rạp với mục đích thư giãn, xem một lần là quên và không đặt nhiều kỳ vọng. Các manh mối trong phim gợi ý rằng sẽ còn phần tiếp theo. Tuy nhiên, viễn cảnh đó sẽ chỉ thực sự đáng trông đợi nếu Del Toro tái xuất và mang lại bản sắc từng khiến "Pacific Rim" có một lượng người hâm mộ đáng kể năm xưa./.

Pacific Rim: Uprising (Pacific Rim: Trỗi Dậy)
Đạo diễn: Steven S. DeKnight
Diễn viên: John Boyega, Scott Eastwood, Cảnh Điềm
Thể loại: Hành động, Viễn tưởng
Thời lượng: 111 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 23/3.

 

Trailer bộ phim:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục