PACE hoãn thông qua đề xuất khôi phục quyền biểu quyết của Nga

Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) ngày 9/10 đã biểu quyết hoãn thảo luận và thông qua đề xuất khôi phục lại quyền biểu quyết của Nga.
PACE hoãn thông qua đề xuất khôi phục quyền biểu quyết của Nga ảnh 1(Nguồn: unian.info)

Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) ngày 9/10 đã biểu quyết hoãn thảo luận và thông qua đề xuất khôi phục lại quyền biểu quyết của Nga, bị đình chỉ từ năm 2014 sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Liên bang Nga.

Trong phiên họp toàn thể của PACE diễn ra ở Strasbourg, Pháp, với 99 phiếu thuận với 76 phiếu chống và 16 đại biểu không bỏ phiếu, các đại biểu đã biểu quyết để đề xuất này được đưa ra thảo luận thêm tại ủy ban chuyên môn.

Năm 2017, Nga hoãn phần đóng góp 33 triệu euro hằng năm cho PACE, cơ quan gồm 47 nước thành viên vốn có nhiệm vụ thúc đẩy dân chủ và thượng tôn pháp luật ở châu Âu.

Việc Nga ngừng đóng góp ngân sách đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với PACE và lãnh đạo tổ chức này đã nỗ lực giải quyết vấn đề này.

[Nga cảnh báo Nghị viện châu Âu đang tự làm suy yếu mình]

Lãnh đạo PACE đã quyết định thành lập ủy ban chuyên môn, bổ nhiệm báo cáo viên có nhiệm vụ đề ra thỏa thuận giữa các bên chống và ủng hộ việc Nga quay trở lại PACE.

Phát biểu về quyết định mới của PACE, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Sluskiy tuyên bố phái đoàn Nga có thể sẽ không quay trở lại hoạt động trong PACE năm 2019.

Ông Sluskiy cho rằng Hội đồng nghị viện các nước Á-Âu có thể thay thế PACE và PACE đang khủng hoảng sâu sắc.

Theo ông, trên lục địa Á-Âu, trong đó có cả châu Âu, đang xuất hiện Hội đồng Chủ tịch Nghị viện các nước Á-Âu ngày càng lớn mạnh và có khả năng trở thành Hội đồng Liên nghị viện Á-Âu.

Phái đoàn Nga tại PACE tháng 4/2014 bị đình chỉ quyền biểu quyết do các sự kiện tại Ukraine và việc Nga sát nhập Crimea.

Năm 2015, PACE đã 2 lần thảo luận vấn đề khôi phục thẩm quyền của phái đoàn Nga, nhưng lại siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt.

Đáp lại, phái đoàn Nga tuyên bố từ chối làm việc trong các điều kiện như vậy và năm 2016 và 2017 không gửi đơn đề nghị xác nhận thẩm quyền của mình do các phát biểu chống Nga tại PACE./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục