Oxfam: Tài sản của các tỷ phú Mỹ tăng khoảng 30% trong 3 năm qua

Dựa trên dữ liệu của Forbes, tài sản của các tỷ phú Mỹ đã tăng khoảng 30% (hơn 1.000 tỷ USD theo giá trị thực) so với thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát năm 2020, và tăng 86% so với năm 2013.
Oxfam: Tài sản của các tỷ phú Mỹ tăng khoảng 30% trong 3 năm qua ảnh 1Theo Forbes, ông Elon Musk là người giàu nhất tại Mỹ với khối tài sản trị giá 180 tỷ USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo do tổ chức phi chính phủ Oxfam công bố mới đây, số tỷ phú tại Mỹ ngày càng nhiều và giá trị tài sản của họ tăng khoảng 30% kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19 và tăng gần 90% trong thập kỷ qua.

Dựa trên dữ liệu của Forbes, báo cáo nêu rõ tài sản của các tỷ phú Mỹ đã tăng khoảng 30% (hơn 1.000 tỷ USD theo giá trị thực) so với thời điểm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát năm 2020, và tăng 86% so với năm 2013.

Oxfam lưu ý rằng Mỹ hiện có hơn 700 tỷ phú, nhiều hơn gần 60% so với cách đây 1 thập kỷ. Trong khi đó, khoảng 30% lực lượng lao động Mỹ kiếm được chưa đến 15 USD/giờ. Các số liệu này cho thấy khoảng cách thu nhập tại Mỹ.

Vào tháng 1 năm nay, trùng với thời điểm bắt đầu hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, Oxfam cũng đã công bố báo cáo dựa trên dữ liệu do Forbes tổng hợp cho biết giá trị tài sản của các tỷ phú trên thế giới đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, theo đó, tổng tài sản của 1% người giàu nhất cao hơn 74 lần so với 50% người nghèo nhất.

Ngoài ra, các tỷ phú ngày càng giàu hơn trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột tại Ukraine.

Kể từ năm 2020, tài sản của các tỷ phú tăng thêm 2,7 tỷ USD mỗi ngày, trong khi đó, trong khi lạm phát vượt xa tiền lương của ít nhất 1,7 tỷ người lao động trên toàn thế giới.

Ngay tại quốc gia giàu có nhất EU là Đức, nhiều người dân cũng đang phải tìm đến các ngân hàng thực phẩm, nơi bán nhu yếu phẩm gần hết hạn với giá rẻ, để tiết kiệm chi phí khi giá lương thực và khí đốt tăng từ 30-50%.

Oxfam: Tài sản của các tỷ phú Mỹ tăng khoảng 30% trong 3 năm qua ảnh 2Trẻ em xếp hàng nhận bữa ăn do Chương trình Lương thực Thế giới tài trợ tại Harare, Zimbabwe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc Điều hành của Oxfam International, bà Gabriela Bucher, cho biết: “Trong khi những người bình thường đang chật vật trang trải cho những thứ thiết yếu như thực phẩm, thì giới siêu giàu đã vượt qua cả những giấc mơ điên rồ nhất của họ. Chỉ trong vòng 2 năm qua, thập kỷ này đang định hình là thập kỷ thành công nhất cho giới tỷ phú.”

Ngược lại, tình trạng nghèo đói toàn cầu đã tăng cao trong thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19.

[Ông chủ LVMH lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới]

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) được Oxfam trích dẫn, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong việc giảm đói nghèo, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao, đã làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo ở nhiều quốc gia.

Oxfam cho biết đây là lần đầu tiên tình trạng cực giàu và cực nghèo tăng đồng thời trong vòng 25 năm qua.

Năm 2022, WB đã cảnh báo nhân loại sẽ không đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 trong bối cảnh bất bình đẳng gia tăng mạnh nhất trên toàn cầu.

Oxfam: Tài sản của các tỷ phú Mỹ tăng khoảng 30% trong 3 năm qua ảnh 3Trẻ em bị suy dinh dưỡng đợi khám bệnh tại Ghazal, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàng loạt quốc gia đang và kém phát triển phải đối mặt với tình trạng phá sản khi các khoản nợ tăng ngoài tầm kiểm soát.

Thay vì đầu tư cho y tế hay giáo dục, các quốc gia nghèo nhất đang phải chi số tiền gấp bốn lần so với thông thường để trả nợ và buộc phải lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu triệt để.

Để chống lại sự bất bình đẳng ngày càng tăng, Oxfam kêu gọi đánh thuế theo các mức phù hợp để dần phân phối lại tài sản và giảm tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng.

Khoản thuế này sẽ được sử dụng để hỗ trợ những người đang phải chịu ảnh hưởng của việc giá cả tăng cao, qua đó đảm bảo một sự phục hồi “công bằng và bền vững” sau đại dịch.

Oxfam cũng đề xuất áp thuế mức tạm thời 90% đối với những lợi nhuận phát sinh mà các tập đoàn lớn thu được trong thời kỳ đại dịch, nhấn mạnh đã đến lúc "chấm dứt việc trục lợi từ khủng hoảng.”

Theo Oxfam, cũng cần tính đến việc đánh thuế thường xuyên đối với những người giàu có nhất.

Theo tính toán của Oxfam, việc áp mức thuế hằng năm 2% đối với các triệu phú và 5% đối với các tỷ phú sẽ mang lại khoản thu 2.520 tỷ USD/năm.

Số tiền này có thể giúp 2,3 tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực, phân phối đủ vaccine cho toàn thế giới và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân cho tất cả người dân ở các nước nghèo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục