Tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam ngày 9/4 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thông qua một gói giải cứu toàn diện để tập trung khoảng 2.500 tỷ USD cần thiết, nhằm đảm bảo 500 triệu người sẽ không bị đẩy vào tình trạng nghèo đói do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Oxfam cảnh báo tác động kinh tế của dịch COVID-19 có nguy cơ kéo lùi cuộc chiến chống đói nghèo thêm một thập kỷ, thậm chí lên tới 30 năm ở một số khu vực như châu Phi và Trung Đông.
Trích dẫn nghiên cứu của Đại học King’s College London và Đại học Quốc gia Australia, Oxfam ước tính có tới nửa tỷ người trên toàn thế giới có thể rơi vào tình trạng nghèo đói vì dịch bệnh, tương đương 8% dân số thế giới.
Tổ chức này nhấn mạnh rằng các chính phủ và thể chế tài chính cần nhanh chóng tiến hành nhiều biện pháp, bao gồm miễn trừ ngay lập tức khoản thanh toán nợ của các nước đang phát triển trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2020 và tạo ra thêm ít nhất 1.000 tỷ USD nữa trong dự trữ quốc tế.
[EU đề xuất hỗ trợ 15 tỷ euro giúp các nước nghèo chống dịch COVID-19]
Ông Jose Maria Vera, một quản lý cấp cao của Oxfam, nói rằng các bộ trưởng tài chính thuộc Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cần hỗ trợ thêm tài chính cho các nước đang phát triển ngay lập tức để giúp họ cứu trợ các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương ở trong nước.
Oxfam cảnh báo rằng, trong khi nhiều quốc gia giàu có đã đưa ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, hầu hết các quốc gia đang phát triển đều thiếu nguồn lực tài chính đủ mạnh để có các biện pháp tương tự.
Theo Oxfam, gói hỗ trợ tài chính khoảng 2.500 tỷ USD theo ước tính của Liên hợp quốc là cần thiết để hỗ trợ các nước đang phát triển chống lại đại dịch COVID-19. Những gói này cũng sẽ cần thêm 500 tỷ USD viện trợ nước ngoài.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Suma Chakrabarti đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác để chống lại đại dịch COVID-19.
Ông mô tả nhu cầu tài trợ khẩn cấp là "rất lớn," đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng hiện nay là sự gián đoạn lớn nhất đối với hoạt động kinh tế toàn cầu kể từ Thế chiến thứ hai./.