Ôtô tông liên hoàn trên cao tốc: Nguyên nhân do tình trạng đốt rơm rạ?

Chủ đầu tư cao tốc sẽ tăng cường công tác phát quang dọn cỏ và cảnh báo khói ảnh hưởng tầm nhìn của lái xe, phối hợp chặt chẽ với địa phương tuyên truyền, tổ chức đốt rạ có kiểm soát.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Liên quan đến các vụ ôtô tông nhau liên hoàn trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây do người dân đốt rơm rạ, khói mù mịt che khuất tầm nhìn tài xế, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tăng cường công tác phát quang dọn cỏ và cảnh báo khói ảnh hưởng tầm quan sát của lái xe, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác tuyên truyền, tổ chức đốt rạ có kiểm soát theo nhu cầu của người dân.

[Đâm xe liên hoàn trên đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây]

Liên quan đến vấn đề này, vào hồi 15 giờ 5 phút ngày 3/4, tại Km 20+300 trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (ở cả 2 hướng) đã xảy ra các vụ va chạm liên hoàn giữa 10 ôtô (1 vụ va chạm giữa 6 xe bên phải tuyến hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đồng Nai; 2 vụ giữa 4 xe va chạm bên trái tuyến hường từ Đồng Nai đi Thành phố Hồ Chí Minh.

“Nguyên nhân ban đầu được dự đoán do người dân đốt rơm rạ ở ruộng phía bên đường cao tốc hướng phải tuyến tại khu vực gần cầu Đồng Môn-Đồng Nai (Km19+500) đã lan ra làm cháy cỏ lề hành lang đường cao tốc, tạo nên đám khói dày đặc, cộng thêm hướng gió đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầm nhìn của người điều khiển phương tiện khi lưu thông trên cả 2 hướng qua khu vực trên, dẫn đến việc các xe không giữ được khoảng cách an toàn dẫn đến các va chạm liên tục,” lãnh đạo VEC cho hay.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, VEC đã khẩn trương phối hợp lực lượng chức năng đưa người bị thương đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Long Thành; tiến hành phun nước dập lửa bằng xe bồn và các bình chữa cháy tại chỗ, nhanh chóng thông tin trên VOV giao thông và biển bảng điện tử VMS trong giao thông để cảnh báo đến người tham gia giao thông trên tuyến.

Tổng công ty cũng thông báo và phối hợp với lực lượng cứu hộ, Công an Giao thông Huyện Long Thành, lực lượng Cục Cảnh sát giao thông (C67) điều tiết giao thông, đo vẽ hiện trường và đưa các xe ra khỏi cao tốc, giải phóng hiện trường để cho các phương tiện tiếp tục lưu thông trên tuyến.

Để phục vụ cho công tác giải phòng hiện trường, hướng trái tuyến từ Quốc lộ 51 lên cao tốc tại trạm thu giá Quốc lộ 51, VEC tiến hành tạm ngưng phục vụ trong khoảng 30 phút từ 17 giờ 15 phút đến 17 giờ 45 phút.

Để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, lãnh đạo VEC cho rằng cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền cho người dân dọc hai bên đường cao tốc ý thức phòng cháy chữa cháy khi mùa khô đến.

“VEC sẽ tiến hành phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác tuyên truyền, tổ chức đốt rạ có kiểm soát theo nhu cầu của người dân, đồng thời tăng cường công tác phát quang dọn cỏ và cảnh báo khói ảnh hưởng tầm quan sát của người tham gia giao thông qua các biển VMS và các kênh VOV Giao thông,” lãnh đạo VEC khẳng định.

[Người dân đốt cỏ khiến tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành ùn tắc kéo dài]

Trước đó, ngày 8/2/2015, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây được thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến. Tính đến nay, có khoảng 46 triệu lượt phương tiện lưu thông qua đây. Riêng năm 2017, tuyến đã phục vụ trên 14 triệu lượt, tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước. Quý 1/2018, có 3,5 triệu lượt phương tiện lựa chọn cao tốc Long Thành-Dầu Giây làm lộ trình di chuyển của mình, trong đó có 48.400 lượt phương tiện sử dụng dịch vụ thu giá điện tử tự động không dừng trên tuyến.

Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là nhân tố tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương dọc tuyến, góp phần kéo giảm sự cố, tai nạn giao thông và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa trước đây.

Dự án còn góp phần thúc đẩy quá trình đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành hàng không và hội nhập quốc tế; thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường đô thị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục