Thời gian qua, việc hàng loạt các hãng xe liên tiếp giảm giá, cộng với việc chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước của Chính phủ được ban hành, khiến giới kinh doanh xe cũ như “ngồi trên đống lửa.” Nhiều đại lý ôtô cũ đang ế khách, phải bán lỗ để thu hồi vốn bởi càng "găm" hàng càng mất giá.
Xe giảm giá sâu, cắt lỗ vẫn ‘ế ẩm’
Theo ghi nhận của phóng viên tại một loạt các đại lý, showroom ôtô cũ trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hiện có rất ít khách ghé thăm, mặc dù trong gara chật ních xe trưng bày.
Tại showroom Sàn ôtô Hà Nội (đường Lê Văn Lương), anh Lê Văn Tiến, nhân viên tư vấn bán hàng đang giới thiệu cho một vị khách chiếc Hyundai SantaFe đời 2017 bản đủ, chạy 30.000km với mức giá 700 triệu đồng.
Anh Tiến thuyết phục khách rằng hiện giá xe đang rất tốt bởi thị trường xe ôtô đều đang có xu hướng giảm để kích cầu. Nếu khách mua chiếc xe này sẽ không phải chịu nhiều thuế, phí; xe vẫn còn chạy tốt và rẻ chỉ bằng một nửa so với xe mới… Mặc dù hết lời tư vấn, thuyết phục thế nhưng vị khách kia vẫn quyết định ra về.
“Đa số khách giờ chỉ đến xem xe xong rồi ra về. Đợt cuối năm ngoái, mỗi tháng showroom bán được 30-40 chiếc nhưng nay chỉ bán được khoảng chục chiếc. Thậm chí, từ đầu tháng trở lại đây cửa hàng chưa bán được chiếc nào dù giá xe đã được điều chỉnh giảm đáng kể,” anh Tiến than thở.
Ngoài việc phải đối mặt với tình trạng ế khách, đại lý kinh doanh xe cũ cũng đang không ngừng phải điều chỉnh giá bán do ảnh hưởng của chính sách giảm thuế trước bạ cũng như các hãng xe đã thực hiện các chương trình kích cầu với xe mới.
[Giảm 50% phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/7]
Anh Tiến cho biết thêm để thu hút được khách mua, đợt này cứ xe mới hạ giá 100 triệu đồng thì xe cũ cũng phải giảm giá theo từ 40-50 triệu đồng. Những mẫu xe dân dụng phổ biến ở showroom của anh như Toyota Vios, Hyundai Accent, Hyundai i10… hay các mẫu xe MPV, SUV giảm giá trung bình từ 40-60 triệu đồng so với thời điểm đầu năm.
Cùng tâm trạng với anh Tiến, anh Quốc Trung, chủ một đại lý xe trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) cho hay anh vừa phải bán lỗ chiếc Mazda CX-5 đời 2021 chạy lướt, còn rất với giá chỉ 650 triệu đồng. So với giá lúc anh mới mua cách 2 tháng thì anh lỗ 50 triệu đồng. “Lỗ cũng phải bán bởi giá CX-5 mới hiện nay chỉ còn 749 triệu đồng, thêm giảm trước bạ thì lăn bánh khoảng 800 triệu đồng. Nếu không giảm không thể bán được, để lâu chắc còn lỗ nặng hơn," anh Trung cho hay.
Anh Trung cũng cho biết thêm khi áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp đăng ký mới, những mẫu xe từ đời 2018-2022 hay được gọi là “xe lướt” sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi giá thường sẽ cao, nếu giá không thực sự tốt thì khách sẽ chọn mua xe mới vì giá không chênh lệch nhiều. Còn khác mẫu xe từ đời 2015 trở xuống thì sẽ bớt chịu ảnh hưởng hơn vì nằm ở phân khúc khác.
"Đầu tháng đến nay, showroom chúng tôi dần bỏ hẳn việc nhập xe cũ giá cao để chuyển sang mua bán các mẫu ôtô cũ giá bình dân dưới 500 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng không hề dễ dàng khi giá xe mới liên tục giảm, khiến chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá giảm theo tuần, thậm chí theo ngày bởi nếu càng để lâu xe càng mất giá,”, anh Trung nói.
Người "thoi thóp", người muốn chuyển nghề
Trong khi người tiêu dùng vui mừng vì giá lăn bánh xe ôtô trong nước được giảm đáng kể thì việc thị trường chững lại, xe bán không ai mua khiến không ít người kinh doanh ôtô cũ rơi vào cảnh vô cùng khó khăn, có người còn tính tới việc chuyển nghề.
Showroom của anh Trịnh Văn Hiếu ở đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) trưng bày khoảng 30 chiếc ôtô đã qua sử dụng nhập từ đầu năm nhưng bán rất chậm, thậm chí 3 tuần nay không có khách hỏi mua. “Săn ôtô đã qua sử dụng giá hợp lý đã khó nay lại còn vắng khách. Một số xe chấp nhận bán lỗ vốn hàng trăm triệu đồng vẫn không kiếm được khách mua. Xu hướng chọn ôtô mới giá rẻ ngày càng nhiều vì vậy nhu cầu mua xe cũ của khách cũng giảm sút trông thấy,”anh Hiếu chia sẻ.
Anh Hiếu cho biết một số mẫu xe hạng sang như Mercedes, Lexus tại sàn của anh thậm chí phải chịu lỗ đến cả nửa tỷ đồng nhưng vẫn phải bán để đẩy bớt hàng, lấy lại vốn. Theo tính toán, cộng chi phí mặt bằng, nhân công và tiền thâm hụt từ việc giá xe giảm, mỗi tháng showroom của anh đang phải gánh khoản lỗ khoảng 300 triệu đồng.
“Cũng may là showroom này là từ toàn bộ tiền túi của tôi và gia đình, một số vay anh em họ hàng chứ chưa phải vay ngân hàng nên cũng không quá áp lực. Tuy vậy hiện giờ cũng đang thoi thóp thôi, nếu tình trạng này kéo dài đến năm sau thì cũng chưa biết thế nào,” anh Hiếu chia sẻ.
Thậm chí, một vài đại lý nhỏ không còn đủ khả năng để ôm xe, để tránh bị phá sản đã phải chuyển sang hình thức ký gửi thay vì mua đứt và bán lại.
"Gần đây, chúng tôi đã chuyển sang phương thức ký gửi xe. Đa số các anh em trong ngành đều phải vay vốn từ ngân hàng để nhập hàng, vì vậy tình trạng xe bán chậm so với kế hoạch kinh doanh trong 2-3 tháng gây ra chi phí lãi ngân hàng và rủi ro lớn. Nếu không thể bán xe, có thể mất toàn bộ vốn đầu tư. Với tình hình này, tôi đang nghĩ đến việc chuyển nghề, bởi khó khăn vẫn đang tiếp tục kéo dài," anh Minh than thở.
Có thể thấy, việc kinh doanh xe cũ ế ẩm là do từ đầu năm tới nay các hãng đua nhau giảm giá xe. Nếu trước kia dưới 1 tỷ đồng sẽ không thể mua nổi một chiếc xe mới dòng SUV như Chevrolet Trailblazer, Honda CR-V, Hyundai Tucson... thì giờ đây những mẫu xe này dần rớt giá đáng kể giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn so với việc mua ôtô cũ.
Bên cạnh đó, nền kinh tế nói chung còn đang gặp nhiều khó khăn, lãi suất ngân hàng còn cao, việc bỏ ra một số tiền lớn để chi tiêu khiến nhiều người tiêu dùng phải cân nhắc. Đây cũng chính là lý do khiến thị trường ôtô nói chung và ôtô cũ ngày càng “gặp khó.”/.