Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh bao gồm Nga, còn được gọi là OPEC+, đang nghiêng về khả năng trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu trong tháng 1/2021 trong ít nhất ba tháng để hỗ trợ giá “vàng đen” khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát làn sóng thứ hai.
Các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc OPEC+ dự định tăng sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2021, tương đương khoảng 2% mức tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu, một phần của việc nới lỏng thỏa thuận cắt giảm nguồn cung kỷ lục được thực hiện trong năm nay.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh nhu cầu về nhiên liệu đang có xu hướng suy yếu, OPEC+ đã cân nhắc khả năng trì hoãn việc nâng sản lượng và thậm chí là cắt giảm thêm.
[IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2020]
Các nguồn tin của OPEC + cho biết lựa chọn nhận được sự ủng hộ giữa các quốc gia OPEC + là giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện tại là 7,7 triệu thùng /ngày trong vòng 3-6 tháng nữa, thay vì thu hẹp mức cắt giảm này xuống còn 5,7 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021.
Hai ủy ban giám sát của OPEC+ đều tiến hành họp trong tuần này. Ủy ban Kỹ thuật chung (JTC) đã tổ chức cuộc họp vào ngày 16/11 và Ủy ban Giám sát cung cấp bộ trưởng (JMMC) có thể đề xuất các chính sách tiếp theo cho OPEC+ vào cuộc họp diễn ra trong ngày 17/11.
Dự kiến, OPEC+ sẽ tiến hành cuộc họp vào ngày 30/11 và ngày 1/12 để đưa ra các quyết định chính sách sản lượng cho năm tới.
Algeria, hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của OPEC, đã ủng hộ việc gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng hiện hành, còn nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Saudi Arabia cho biết thỏa thuận của OPEC+ có thể được "điều chỉnh."
Các số liệu được dưa ra tại cuộc họp mới nhất của JTC cho thấy mức độ tuân thủ của OPEC+ đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng là 96% trong tháng 10/2020, thấp hơn so với dự tính./.