OPEC và các nước sản xuất dầu có thể giảm sản lượng trở lại vào 2019

Hai nguồn tin từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 7/11 cho biết có nhiều khả năng OPEC và các nước không thuộc tổ chức này cắt giảm sản lượng trở lại vào năm 2019.
Ảnh minh họa. (Nguồn: huffingtonpost.ca)

Hai nguồn tin từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 7/11 cho biết có nhiều khả năng OPEC và các nước không thuộc tổ chức này cắt giảm sản lượng trở lại vào năm 2019 để ngăn chặn khả năng nguồn cung dư thừa, nhân tố gây sức ép lên giá dầu.

Thông tin trên được đưa ra sau khi hãng thông tấn TASS của Nga tiết lộ Nga và Saudi Arabia đã bắt đầu thảo luận song phương về khả năng giới hạn sản lượng vào năm 2019.

Hồi tháng Sáu, Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, trong đó có Nga, đã quyết định nới lỏng việc hạn chế sản lượng được triển khai kể từ năm 2017, do sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump để giảm giá dầu và bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran.

[Nga cáo buộc chính sách của Mỹ gây bất ổn cho thị trường dầu mỏ]

Giá dầu đã chịu sức ép đi xuống do nguồn cung ngày càng tăng, bất chấp xuất khẩu của Iran dự kiến sẽ giảm bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Những dự báo nhu cầu dầu chậm lại và dư thừa nguồn cung trong năm 2019 cũng đã tác động lên thị trường.

Giá dầu Brent đã giảm từ mức “đỉnh” của bốn năm ghi nhận được trong tháng 10/2018 là trên 86 USD/thùng xuống 71 USD/thùng hôm 6/11. Giá đã tăng trở lại lên trên 73 USD/thùng trong ngày 7/11 nhờ báo cáo của TASS.

Trong một thông tin khác, đại diện của Iran tại OPEC Hossein Kazempour Ardebili cho rằng Saudi Arabia và Nga cần cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày. Chính lượng dầu sản xuất thêm của hai nước này đã gây ra sự trượt giá dầu thô thế giới và mang lại lợi ích cho Mỹ.

Trước đó, Saudi Arabia và Nga đã nhận được đề nghị từ Tổng thống Mỹ về việc tăng sản lượng dầu nhằm "hạ nhiệt" giá dầu thế giới cũng như bù đắp lại sự sụt giảm nguồn cung do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Theo ông Hossein, động thái gia tăng sản lượng của Saudi Arabia và Nga đã khiến các nước xuất khẩu dầu thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu và những quốc gia gánh chịu chủ yếu là các nước sản xuất dầu ở châu Phi và Nam Mỹ.

Hai nước trên cần phải điều chỉnh chiến lược và tuân thủ nghiêm túc thoả thuận cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục