Ngày 7/12, Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria Emmanuel Ibe Kachikwu khẳng định thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ được thực thi cho dù chỉ mình Nga, nước sản xuất chủ chốt ngoài OPEC, cam kết hạn chế sản lượng khai thác tại cuộc họp dự kiến diễn ra ở Vienna (Áo) cuối tuần này.
Tại cuộc họp chính thức cấp bộ trưởng diễn ra hôm 30/11 ở Vienna (Áo), các thành viên OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2017, với mục tiêu giảm tình trạng dư cung trên thị trường và vực dậy giá dầu vốn đã giảm hơn 50% từ mức đỉnh điểm hồi tháng 6/2014.
OPEC hy vọng các nhà sản xuất ngoài khối sẽ đóng góp mức giảm 600.000 thùng/ngày, với Nga đã thông báo sẽ giảm 300.000 thùng/ngày.
Khi được hỏi liệu OPEC có sẵn sàng thúc đẩy thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong trường hợp chỉ mình Nga cam kết tham gia, ông Kachikwu khẳng định: "OPEC sẽ thực thi nghiêm túc thỏa thuận Vienna. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất còn lại."
Phát biểu trước báo giới bên lề Hội nghị Bloomberg Markets diễn ra ngày 7/12 ở thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông Kachikwu cho biết OPEC muốn chứng kiến các nhà sản xuất ngoài khối tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhưng trong bất cứ trường hợp nào, các thành viên OPEC sẽ vẫn thực thi thỏa thuận nhằm đưa sản lượng của khối xuống 32,5 triệu thùng/ngày từ đầu năm tới.
Theo người đứng đầu Bộ Dầu mỏ Nigeria, là nước thành viên được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng do hoạt động bị đình trệ vì bất ổn, Nigeria hy vọng tăng sản lượng khai thác lên 2,1 triệu thùng/ngày từ tháng tới.
14 nước sản xuất ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã được mời tới dự cuộc họp với OPEC tại thủ đô Vienna của Áo vào ngày 10/12 tới để thảo luận các cam kết cắt giảm từ những nhà sản xuất ngoài khối.
Còn Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail bin Mohammed al-Mazroui cho biết ông lạc quan về khả năng các nhà sản xuất không thuộc OPEC sẽ tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Theo ông Mazroui, thị trường dầu mỏ cần có các mức giá hợp lý để khuyến khích đầu tư vào hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 7/12 do số liệu về lượng dầu dự trữ của Mỹ và tâm lý hoài nghi rằng lượng dầu cắt giảm như cam kết của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga là chưa đủ để chấm dứt tình trạng dư cung đã ám ảnh thị trường hơn hai năm qua.
Cụ thể, khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/2017 tại London giảm 93 xu Mỹ (1,7%) xuống còn 53 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1/2017 tại New York giảm 1,16 USD (2,4%) và được giao dịch ở mức 49,77 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này giảm 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2/12, nhiều hơn dự đoán 1 triệu thùng trước đó của giới phân tích.
Tuy nhiên, lượng dầu dự trữ ở thành phố Cushing, bang Oklahoma, trung tâm phân phối dầu thô của Mỹ, lại tăng 3,8 triệu thùng hồi tuần trước, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009.
Theo ông Matt Smith, Giám đốc phụ trách nghiên cứu hàng hóa thuộc nhà cung cấp dữ liệu năng lượng ClipperData, thị trường ngày càng hoài nghi về khả năng các nước ngoài OPEC có thể cắt giảm 600.000 thùng/ngày như kỳ vọng của khối này.
Giá dầu đã tăng gần 20% sau khi OPEC và Nga đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng cuối tháng trước, nhưng sau đó các nước này lại thông báo mức sản lượng cao kỷ lục.
Bên cạnh đó, Nigeria, nước được hưởng ngoại lệ trong thỏa thuận này, ngày 7/12 cho biết nước này hy vọng sẽ tăng sản lượng dầu lên 2,1 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2017, thay vì 1,9 triệu thùng/ngày như hiện tại./.