OPEC sẽ giữ nguyên hạn ngạch sản lượng 30 triệu thùng mỗi ngày?

Cả bộ trưởng Năng lượng Venezuela và Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq đều nói rằng OPEC có thể sẽ vẫn giữ nguyên hạn ngạch sản lượng 30 triệu thùng/ngày đã được duy trì từ cuối năm 2011.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ diễn ra vào ngày 11/6 tại Vienna (Áo), cả Bộ trưởng Năng lượng Venezuela Rafael Ramirez và Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Abdelkarim al-Luaybi đều nói rằng tổ chức này có thể sẽ vẫn giữ nguyên hạn ngạch sản lượng 30 triệu thùng/ngày đã được duy trì từ cuối năm 2011.

Trong bối cảnh có những căng thẳng về nguồn cung do những bất ổn địa chính trị ở một số nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu đã được giữ ở mức cao.

Giá dầu thế giới đã tăng khoảng 10% so với thời điểm diễn ra cuộc họp lần trước của OPEC vào tháng 12/2013, do bạo động đã khiến hoạt động sản xuất tại Libya bị ảnh hưởng, trong khi sản lượng của Iran vẫn chịu tác động bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Trong năm nay, giá dầu tăng còn vì căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine giữa lúc có những lo ngại một cuộc nội chiến có thể làm nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt hơn.

Saudi Arabia, nước sản xuất chủ chốt trong OPEC, hài lòng với mức giá 100 USD/thùng, có nghĩa nước này có thể sẽ không kêu gọi việc điều chỉnh hạn ngạch sản lượng, nhất là khi cho rằng lượng cung hiện nay là đủ.

Theo quyền Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Omar Ali ElShakmak, sản lượng dầu thô của nước này hiện chưa tới 200.000 thùng/ngày là quá thấp so với năng lực sản xuất tối đa khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.

Để bù đắp vào phần sản lượng sụt giảm của Libya, Iran và Iraq đang tăng sản lượng.

Mục tiêu sản lượng dầu thô trung bình của Iraq trong năm nay là khoảng 3,6-3,7 triệu thùng/ngày, trong khi lượng xuất khẩu trung bình là 3 triệu thùng/ngày.

Nước này đã xuất khẩu 2,58 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Năm và dự kiến sẽ xuất 3 triệu thùng/ngày vào cuối năm, so với 2,8 triệu thùng/ngày trong tháng Hai - mức cao nhất trong hơn hai thập niên.

Trong khi đó, Iran đang hy vọng về một sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Xuất khẩu của Iran đã tăng nhẹ kể từ khi ký kết thỏa thuận tạm thời với nhóm P5+1 (Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) về vấn đề hạt nhân.

Trong trường hợp có tiến bộ trong các cuộc đàm phán, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được nới lỏng vào nửa cuối năm nay.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong tháng trước đã hối thúc OPEC gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu lớn của toàn cầu trong năm nay, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi.

Còn theo ước tính của OPEC, nhu cầu trung bình đối với dầu mỏ của các nước thành viên trong năm nay sẽ tăng từ mức 29,2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm lên 30,35 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục