OPEC+ quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng khai thác hiện tại

OPEC+ sẽ tiếp tục đánh giá cẩn thận các điều kiện thị trường, đồng thời kêu gọi các nước thành viên tuân thủ đầy đủ cam kết cắt giảm sản lượng.
OPEC+ quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng khai thác hiện tại ảnh 1Cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco ở khu vực al-Khurj, ngoại ô thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 4/8, Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn gọi là OPEC+) đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng hiện nay của liên minh này, sau khi Saudi Arabia thông báo sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện đến hết tháng 9/2023.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp trực tuyến, Ủy ban trên nêu rõ sẽ tiếp tục đánh giá cẩn thận các điều kiện thị trường, đồng thời kêu gọi các nước thành viên tuân thủ đầy đủ cam kết cắt giảm sản lượng.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 9, tức kéo dài thêm một tháng so với trước.

[Nga và Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu mỏ trong tháng 9]

Quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu trong OPEC này còn nói sẽ tiếp tục cân nhắc gia hạn thêm hoặc cắt giảm sâu hơn nếu cần thiết.

Nga cũng tuyên bố sẽ giảm khoảng 300.000 thùng dầu xuất khẩu/ngày trong tháng 9 để góp phần cân đối thị trường dầu mỏ, còn Algeria tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng 20.000 thùng/ngày ngay trong tháng 8 này.

OPEC+ đã đạt được nhất trí về việc hạn chế nguồn cung tại cuộc họp chính sách hồi tháng 6 vừa qua.

Mức cắt giảm sản lượng của OPEC+, không bao gồm số cắt giảm tự nguyện bổ sung nói trên, đã lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu.

Nguồn cung dầu mỏ bị thắt chặt đã khiến giá mặt hàng này tăng hơn 14% trong tháng 7 và hiện được giao dịch ở mức gần 86 USD/thùng.

Ngoài lo sợ về nguồn cung ít thì nhu cầu tăng cũng đã góp phần nâng giá dầu trong bối cảnh những lo ngại về tác động của lãi suất tăng và lạm phát cao đối với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần hạ nhiệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục