OPEC+ nỗ lực đạt đồng thuận gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu

Mục tiêu chung của các nước thành viên OPEC là giữ vững sự ổn định của thị trường dầu mỏ vốn chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19 và đang phục hồi chậm sau khi lao dốc vào cuối tháng Tư.
OPEC+ nỗ lực đạt đồng thuận gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu ảnh 1(Nguồn: AP)

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga và các nước sản xuất dầu liên minh khác, còn được gọi là OPEC+, ngày 1/12 sẽ nhóm họp trong nỗ lực đạt đồng thuận về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm giảm sút nhu cầu năng lượng trên toàn cầu.

Phát biểu tại chương trình truyền hình trực tiếp khi cuộc họp trực tuyến của OPEC bắt đầu vào ngày 30/11, Chủ tịch luân phiên của tổ chức này, ông Abdelmadjid Attarm cho rằng năm 2020 tiếp tục là một năm có những thay đổi sâu sắc do đại dịch COVID-19. Ông Abdelmadjid Attarm hiện cũng là Bộ trưởng Năng lượng Algeria.

Theo ông Attar, làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và các biện pháp phong tỏa mới được thực hiện đã làm giảm nhu cầu dầu mỏ. Cú sốc đối với ngành công nghiệp dầu mỏ là rất lớn và những tác động nghiêm trọng có thể kéo dài trong những năm tới.

Dù các kết quả thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 của các hãng dược là đáng khích lệ, việc phân phối trên toàn cầu cần có thời gian và hiệu quả sẽ chưa thấy rõ trong nửa đầu năm tới.

[Những điểm chính dự kiến sẽ thảo luận trong cuộc họp sắp tới của OPEC+]

Mục tiêu chung của các nước thành viên OPEC là giữ vững sự ổn định của thị trường dầu mỏ vốn chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19 và đang phục hồi chậm sau khi lao dốc vào cuối tháng Tư.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Namdar Zanganeh cho biết các cuộc thảo luận ngày 30/11 kết thúc mà không có quyết định nào được đưa ra và cuộc họp vào ngày 1/12 cũng sẽ không dễ dàng. Theo ông, do một số nước phản đối việc gia hạn thỏa thuận, việc đạt được đồng thuận sẽ khó khăn.

Hồi tháng Tư, nước thành viên OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày, sau đó giảm xuống 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021.

Tuy nhiên, hầu hết nhà quan sát nhận định nhóm này sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 3-6 tháng do đại dịch COVID-19 tiếp tục có những tác động tới thị trường.

Giá dầu thô đã tăng 25% kể từ đầu tháng và gần đạt mức trước đại dịch COVID-19 là khoảng 45-50 USD/thùng đối với cả hai loại dầu là dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và dầu Brent Biển Bắc.

Tuy nhiên, cả hai loại dầu giảm nhẹ trong phiên 30/11 và giảm sâu hơn sau khi cuộc họp của OPEC kết thúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục