Trong phiên giao dịch chiều 5/10, giá dầu tại thị trường châu Á mở rộng đà tăng, sau khi các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới nhất trí tiếp tục tuân theo thỏa thuận hiện tại về việc tăng dần sản lượng dầu.
Phiên này, giá dầu Brent tăng 23 xu Mỹ (0,3%) lên 81,49 USD/thùng, sau khi tăng 2,5% trong phiên trước, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 12 xu Mỹ (0,2%) lên 77,74 USD/thùng, sau khi tăng 2,3% trong phiên trước.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đến tháng 11 tới theo thỏa thuận đạt được trước đó 2 tháng.
Quyết định trên được các bộ trưởng OPEC+ đưa ra sau cuộc họp trực tuyến cùng ngày, giữa bối cảnh OPEC+ đang chịu áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ và Ấn Độ về việc tăng sản lượng sau khi giá dầu thế giới tăng 50% trong năm nay.
[OPEC+ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi giá dầu tăng]
Đà tăng của giá dầu cùng với sức ép lạm phát đã làm dấy lên lo ngại rằng đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 sẽ chệch hướng. Trong khi đó, OPEC+ quan ngại rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ tư trên quy mô toàn cầu có thể ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi nhu cầu dầu.
Theo công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics, quá trình bình thường hóa dần tăng trưởng nhu cầu và đà phục hồi của nguồn cung sẽ bắt đầu tác động lên giá dầu từ quý 4/2021.
Trong năm nay, tăng trưởng nhu cầu vượt nguồn cung đã đẩy giá dầu vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, song Capital Economics cho rằng tình trạng này sẽ đảo ngược khi OPEC+ tăng sản lượng.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò sơ bộ của hãng Reuters, lượng dầu tồn kho và sản phẩm chưng cất của Mỹ ước giảm trong tuần trước. Năm nhà phân tích được Reuters khảo sát ước tính lượng dầu tồn kho giảm khoảng 300.000 thùng trong tuần tính đến ngày 1/10./.