OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trong hai thập kỷ tới

Báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới (World Oil Outlook) của OPEC cho biết các nước đang phát triển sẽ đẩy lượng cầu tăng trong khi nhu cầu dầu mỏ ở các nước giàu hơn sẽ giảm từ năm 2023.
Biểu tượng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại trụ sở của tổ chức ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại trụ sở của tổ chức ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 28/9 dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng từ nay đến năm 2045 và đây vẫn sẽ là nguồn năng lượng chủ đạo dù cảnh báo rằng cần phải giảm sử dụng dầu mỏ để chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới (World Oil Outlook) của OPEC cho biết các nước đang phát triển sẽ đẩy lượng cầu tăng trong khi nhu cầu dầu mỏ ở các nước giàu hơn sẽ giảm từ năm 2023.

Giám đốc OPEC Mohammad Barkindo cho biết: "Cầu về năng lượng và dầu mỏ đã tăng đáng kể trong năm 2021 sau khi giảm mạnh trong năm 2020, và dự báo dài hạn là sẽ tiếp tục phát triển."

Theo báo cáo trên, nhu cầu sẽ tăng từ mức 90,6 triệu thùng/ngày vào năm 2020 lên mức 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2045, tức là tăng 17,6 triệu thùng/ngày.

Nhưng nếu lấy năm 2019, thời điểm trước đại dịch, làm cơ sở so sánh, thì lượng cầu sẽ chỉ tăng 8,2 triệu thùng/ngày vào năm 2045.

[OPEC+ nỗ lực hợp tác ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu]

Mức dự báo cầu năm 2045 nói trên cũng thấp hơn dự báo đưa ra trong báo cáo năm ngoái. Cầu được dự báo sẽ tăng nhanh hơn trong vài năm tới, trước khi tăng chậm lại và gần như không tăng sau năm 2035, thời điểm đạt tới mức 107,9 triệu thùng/ngày.

Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh giá dầu Brent đã tăng hơn 80 USD/thùng lần đầu tiên trong gần 3 năm qua, nhờ kỳ vọng cầu tăng và lo ngại thiếu nguồn cung khi thế giới từng bước vượt qua khủng hoảng dịch bệnh.

Dự báo của OPEC đi ngược lại với quan điểm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Cơ quan này cảnh báo hồi tháng Năm rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm trong những thập kỷ tới để thế giới đạt các mục tiêu về khí hậu.

IEA, cơ quan cố vấn chính sách năng lượng cho các nước phát triển, đã cảnh báo rằng tất cả các dự án nhiên liệu hóa thạch trong tương lai phải được loại bỏ nếu thế giới muốn đạt mục tiêu trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050 và giữ được cơ hội giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C.

Báo cáo của IEA cho rằng nhu cầu dầu sẽ không bao giờ trở lại mức đỉnh năm 2019 và sẽ giảm xuống còn 72 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và 24 triệu thùng vào năm 2050.

Tuy nhiên, OPEC cho biết dầu mỏ sẽ "vẫn là phần lớn nhất trong thị trường năng lượng toàn cầu" trong giai đoạn từ năm 2020-2045. Nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng dần từ 30% năm ngoái lên hơn 31% vào năm 2025 trước khi bắt đầu giảm xuống còn 28% vào năm 2045.

Ông Barkindo cho rằng cần "những đầu tư lớn" để đáp ứng nhu cầu trên. Ông nói: "Nếu không có đầu tư đủ lớn, có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu năng lượng trong tương lai, điều không có lợi cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục